Dự thảo về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo và trường hợp bị thu hồi

Theo Dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề miễn phí, có giá trị suốt đời, trừ trường hợp bị thu hồi.

Ngày 14/5, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã đăng tải toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về các quy định trong dự thảo.

Dự thảo được công bố với các nội dung gần như bao quát được mọi vấn đề liên quan nhà giáo, từ khái niệm đến chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tuyển dụng, nghỉ hưu, chính sách lương, phụ cấp,…cơ bản được làm rõ.

Một vấn đề mà dư luận còn băn khoăn, quan tâm đó là chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo cũng đã được làm rõ trong Dự thảo Luật Nhà giáo.

Ảnh minh họa: P.L

Nhà giáo sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề

Tại Điều 9 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền của nhà giáo như sau:

“1. Được hoạt động giảng dạy, giáo dục và đánh giá người học theo chuyên môn đào tạo; tham gia đánh giá, khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định; được chủ động phân phối thời lượng và sắp xếp nội dung giáo dục, lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục đảm bảo mục tiêu giáo dục và kế hoạch của cơ sở giáo dục.

2. Được lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, học liệu, đồ dùng dạy học, thiết bị, phương tiện giảng dạy và cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo mục tiêu giáo dục và kế hoạch của cơ sở giáo dục.

3. Được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo vị trí việc làm.

4. Được hưởng lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ và các chế độ khác phù hợp với vị trí việc làm, chức danh nhà giáo.

5. Được đánh giá công bằng, khách quan; được tôn vinh, khen thưởng tương xứng với thành tích trong hoạt động nghề nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng.

6. Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học của cá nhân; được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

7. Được tham gia các chương trình trao đổi nhà giáo; hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học và tổ chức liên quan khác.

8. Được tạo điều kiện để làm việc trong môi trường thuận lợi, an toàn; được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp và thăng tiến nghề nghiệp; được thay đổi đơn vị công tác và vị trí việc làm phù hợp với nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của cơ quan quản lý.

9. Được tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo; chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, phương pháp giáo dục; các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của nhà giáo; được tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

10. Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định.

11. Được bảo đảm việc làm và an sinh khi cơ sở giáo dục ngừng hoạt động hoặc có sự thay đổi về tổ chức.

12. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.”

Như vậy, Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định rõ quyền của nhà giáo là sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nêu “Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một giấy phép con. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời”. [1]

Các đối tượng sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề nhà giáo

Chứng chỉ hành nghề là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo. Căn cứ khoản 3 Điều 15 dự thảo, có 04 trường hợp được cấp chứng chỉ nhà giáo gồm các đối tượng là nhà giáo.

Cụ thể tại Điều 15 quy định về Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo

“1. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

2. Mỗi nhà giáo được cấp một (01) hoặc hơn một (01) chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

3. Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:

a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;

c) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);

d) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.

4. Nhà giáo đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi bị mất hoặc hư hỏng.

5. Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.”

Như vậy, theo Dự thảo nêu nhà giáo thuộc 4 trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Điều này, cũng giải tỏa phần nào lo lắng của giáo viên đang công tác, cũng như sinh viên sư phạm vì lo sợ có thêm “giấy phép con”.

Không được cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo dưới mọi hình thức

Tại Điều 11 của Dự thảo Luật Nhà giáo làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm

“1. Nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau:

a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân;

b) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;

c) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học;

d) Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

đ) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;

e) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo dưới mọi hình thức;

g) Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi sau:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;

b) Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;

c) Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng nhà giáo; phân công vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động;

d) Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;

đ) Trả lương không đúng số lượng và thời gian theo hợp đồng nhà giáo; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;

e) Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.”

Các trường hợp sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo

Tại Điều 17 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo như sau:

“1. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo bị thu hồi trong các trường hợp:

a) Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục;

b) Nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải;

c) Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.

2. Trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc ban hành quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề theo điểm b khoản 1 Điều này không đúng thì được cấp lại.”

Dựa trên những nội dung cụ thể đã được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo có thể hiểu nhà giáo sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề miễn phí, có giá trị suốt đời, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc bị hư hỏng (sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại).

Tài liệu tham khảo:

Toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo

[1] https://tienphong.vn/nha-giao-phai-co-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-chuyen-khong-de

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-thao-ve-dieu-kien-cap-chung-chi-hanh-nghe-nha-giao-va-truong-hop-bi-thu-hoi-post242768.gd