Dự thảo Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới

Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo - một trong 3 mục tiêu đột phá chiến lược để phát triển đất nước...

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm về dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm 17/5 đã nhận được nhiều góp ý quan trọng. Tại đây, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo luật với 5 chính sách và 6 điểm đáng chú ý như: việc định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo làm cơ sở đề xuất chính sách; bảo vệ nhà giáo trong hoạt động công việc, an sinh; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn; thống nhất về tuyển dụng…

SẼ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ CHO GIÁO VIÊN

Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục).

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch.

Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

LẤY Ý KIẾN CỦA HƠN 500.000 NHÀ GIÁO

Từ năm 2018 đến 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong năm 2022-2023, căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục Đào tạo đã triển khai quy trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Tháng 7/2023, tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách, bao gồm: Định danh nhà giáo, Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Ngày 22/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 3525/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025, vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định đây là cơ hội để tiếp tục có cơ sở pháp lý cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với ngành. Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo - một trong 3 mục tiêu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-thao-luat-nha-giao-can-co-du-yeu-to-moi.htm