Dư nợ VND chưa thể tăng mạnh

(baodautu.vn) Theo nhận định của nhiều lãnh đạo ngân hàng, phải đến quý IV, dư nợ VND mới được cải thiện rõ rệt.

Tuy lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND đã được điều chỉnh theo hướng giảm dần trong gần 2 tháng qua, song các ngân hàng cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp, vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, đối với các nhà xuất khẩu, vay ngoại tệ lúc này vẫn là giải pháp được lựa chọn. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, có thể phải đến quý IV/2010, dư nợ VND mới có thể được cải thiện rõ rệt, song lãi suất khó giảm sâu. Để đón đầu mùa vụ kinh doanh cuối năm, các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn, chuẩn bị nguồn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đơn cử, ACB hiện có chương trình tín dụng đặc biệt, với ngân khoản 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu…, với lãi suất cho vay thỏa thuận chỉ bằng 80% chi phí lãi vay VND thông thường. Thời gian qua, các ngân hàng đã từng bước điều chỉnh dần lãi suất cho vay thỏa thuận, nhằm kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, mức giảm của lãi suất cho vay vẫn khá chậm so với sự kỳ vọng của thị trường, nhất là đối với doanh nghiệp. Theo các nhà lãnh đạo ngân hàng, với các quy định trong Thông tư 13/2010/TT-NHNN sắp có hiệu lực, lãi suất VND sẽ khó giảm. Trong bối cảnh đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp chưa mấy cải thiện, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ của Hy Lạp và lo ngại khủng hoảng kép đối với nền kinh tế Mỹ, nên dù lãi suất cho vay của ngân hàng được điều chỉnh giảm, thì dư nợ tín dụng cũng vẫn khó tăng mạnh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn vay đã tìm cách tiếp cận vốn huy động bằng ngoại tệ để tránh áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND vẫn ở mức cao, dù tỷ giá mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng thêm 2,1%. Đặc biệt, với các nhà xuất khẩu, vay ngoại tệ luôn có nhu cầu cao hơn nhiều so với VND, do doanh nghiệp có nguồn thu bằng USD để trả nợ ngân hàng. Báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn tính đến cuối 8/2010 tăng cao hơn nhiều so với VND. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng đạt 175.400 tỷ đồng, tăng 28,5% so với đầu năm 2010, trong khi dư nợ VND chỉ tăng 5,8%. Trong khi đó, huy động ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 8 ước đạt 167.100 tỷ đồng, chỉ tăng 5,3% so với đầu năm 2010, trong khi huy động VND tăng đến 16,3%. Tín dụng cá nhân đã có dấu hiệu cải thiện so với đầu năm, song tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay cũng chưa đáng kể. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB cho biết, tính đến nay, dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân chiếm khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng ACB. Trong đó, tín dụng cho vay để mua, xây và sửa chữa nhà chiếm khoảng 15% tổng dư nợ tín dụng cá nhân của ACB. Theo đánh giá của ông Tài, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân chưa có dấu hiệu tăng nhiều, cho dù lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND đã giảm. Tại Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB), tính đến cuối tháng 8/2010, dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng và nguồn vốn huy động đạt trên mức này. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường đang có những khó khăn đối với phát triển tín dụng, đồng thời các ngân hàng phải từng bước cơ cấu lại nguồn để đáp ứng các yêu cầu của NHNN đưa ra tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, cũng phải cân nhắc trong việc phát triển tín dụng, tăng cường huy động vốn, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng dịp cuối năm. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, dư nợ tín sẽ sôi động trong quý IV, vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn so với các quý đầu năm. Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng cho rằng, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 25% trong năm nay, vì dư nợ tín dụng thường tăng trưởng mạnh hơn vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt trong quý IV.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/nganhanglaisuat/d5a439bc7f00000101379e668a4b9b1d