Dư nợ tín dụng TP.HCM vượt 4,7 triệu tỉ đồng, tăng gần 6% sau 6 tháng

Tính hết tháng 6-2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 4,74 triệu tỉ đồng, tăng 5,98% so với cuối năm ngoái, điều này cho thấy nhu cầu vốn phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân.

Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 công bố, đến cuối tháng 6-2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM mới đạt gần 4,75 triệu tỉ đồng, tăng 5,98% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng trưởng dư nợ tín dụng cao thứ hai trên địa bàn TP.HCM khu vực 2, chỉ sau Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cùng kỳ, tổng nguồn vốn huy động tại TP.HCM mới đạt trên 4,88 triệu tỉ đồng, tăng 5,79% so với cuối năm trước. So với tháng 5 năm nay, cả huy động và tín dụng đều ghi nhận tăng trưởng lần lượt 2,56% và 2,36%, cho thấy xu hướng phục hồi ổn định của dòng vốn trong hệ thống ngân hàng.

 Hoạt động giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở TP.HCM – khu vực tiếp tục dẫn đầu cả nước về tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: T.L

Hoạt động giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở TP.HCM – khu vực tiếp tục dẫn đầu cả nước về tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: T.L

Trong khi đó, nửa đầu năm nay dư nợ tín dụng của TP.HCM (cũ), vốn là khu vực lõi tài chính của thành phố ghi nhận mức tăng 6,2% so với cuối năm 2024, đạt hơn 4,19 triệu tỉ đồng. Tổng vốn huy động tăng 5,58%, đạt trên 4,3 triệu tỉ đồng.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, dư nợ tín dụng tăng mạnh nhất với mức 7,7%, đạt gần 195.000 tỉ đồng, Bình Dương tăng 3,99% và Đồng Nai tăng 9,1% so với cuối năm ngoái, phản ánh nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN khu vực 2: "Trong nửa đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM (mới) và tỉnh Đồng Nai (mới) hiện đang chiếm 30,8% so với tổng dư nợ tín dụng toàn ngành".

Bên cạnh đó, ông Lệnh cho biết thêm, với quy mô và mạng lưới tín dụng đang mở rộng, NHNN khu vực 2 không chỉ là đầu tàu tín dụng mà còn giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ. Sự hiện diện đầy đủ của các định chế tài chính, từ ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính đến quỹ tín dụng nhân dân, tạo nên một hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng và năng động.

Đặc biệt, lợi thế kinh tế nổi bật của vùng như sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX), ngành du lịch, dịch vụ thương mại, cùng hàng loạt dự án quy mô lớn như cảng biển, sân bay, hệ thống logistics và trung tâm tài chính quốc tế... chính là lực hút lớn cho dòng vốn tín dụng. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để khu vực 2 tiếp tục mở rộng tín dụng, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như cả nước trong thời gian tới.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-no-tin-dung-tphcm-vuot-47-trieu-ti-dong-tang-gan-6-sau-6-thang-post860622.html