Dư nợ cho thuê tài chính đến cuối quý 1/2025 đạt gần 40,7 nghìn tỷ đồng
Báo cáo của Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam quý 1/2025 cho thấy dư nợ cho thuê tài chính tính đến cuối quý 1/2025 đạt gần 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ… Mặc dù ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực song theo Hiệp hội, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cần có các giải pháp chính sách đột phá để ngành thực sự bứt phá, đặc biệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Dư nợ cho thuê trong một số lĩnh vực của quý 1/2025 so với cùng kỳ năm 2024.
Quý 1/2025 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do xung đột địa chính trị phức tạp và cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang, đặc biệt là các chính sách thuế quan của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.
Tại Việt Nam, kinh tế vĩ mô quý 1/2025 vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. GDP tăng trưởng 6,93%, thể hiện nỗ lực vượt bậc của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và khối FDI.
Cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư trên 5 tỷ USD, hỗ trợ tích cực cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lạm phát được kiểm soát tốt, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng nội địa. Cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng cũng tăng trưởng trở lại…
NHIỀU CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Theo báo cáo, dư nợ cho thuê tài chính đến cuối quý 1/2025 đạt gần 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với quý 1/2024 nhưng không có sự tăng trưởng so với cuối năm 2024.
Lý do là bởi các khoản nợ xấu phát sinh vào cuối năm 2024 buộc phải được xử lý thông qua việc trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, đã khiến dư nợ cho thuê tài chính bị sụt giảm. Do đó, mức tăng dư nợ trong quý 1/2025 mới chỉ vừa đủ để bù đắp lại phần suy giảm của quý trước đó.
Tuy vậy, hoạt động cho thuê tài chính cũng ghi nhận những điểm sáng tích cực. Đó là dư nợ cho thuê đối với ô tô các loại đạt trên 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng 26,44% so với cùng kỳ. Dư nợ cho thuê tàu thuyền (trừ tàu biển), đối tượng mới được mở rộng theo Thông tư 26/2024/TT-NHNN, tăng gần gấp đôi (79,44%). Dư nợ cho thuê máy móc thiết bị y tế tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ.
Dư nợ cho vay vốn lưu động (sau khi được nới lỏng quy định, không chỉ giới hạn cho vay bổ sung đối với tài sản cho thuê tài chính) tăng trưởng vượt bậc trên 40%, từ 16,5 tỷ đồng (quý 1/2024) lên 23 tỷ đồng (quý 1/2025).
Ngoài ra, số lượng khách hàng mới tăng trưởng gần 6% so với cùng kỳ, số lượng hợp đồng cho thuê mới tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nợ xấu của các công ty cho thuê tài chính đều được kiểm soát ở mức dưới 3%.
TẬP TRUNG 4 NHÓM GIẢI PHÁP
Để triển khai hiệu quả và thiết thực Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành, Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam đặt mục tiêu nâng quy mô dư nợ cho thuê tài chính lên ít nhất 300 - 500 nghìn tỷ đồng trong vòng 5 năm tới. Điều này có nghĩa rằng mỗi năm tăng thêm dư nợ bằng 60-70%% năm trước.
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính.
Một là, gia tăng dư nợ ở mức cao nhất có thể hằng năm để cung cấp một phần vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là SMEs để đổi mới công nghệ sản xuất, chuyển đổi số. Các công ty cho thuê tài chính sẵn sàng nhận ủy thác từ Chính phủ, các Quỹ cho vay/đầu tư, các tổ chức cá nhân có mong muốn hỗ trợ SMEs đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại về Chip điện tử/dây chuyền đáp ứng được yêu cầu tập đoàn lớn quôc tế/trong nước để tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở lợi thế lớn nhất của cho thuê tài chính là khi cấp tín dụng không cần tài sản thế chấp và kinh nghiệm trong thẩm định các dự án cấp tín dụng trung và dài hạn;
Hai là, cấp tín dụng trung, dài hạn của cho thuê tài chính tập trung vào tín dụng xanh và tích hợp với ESG hỗ trợ SMEs phát triển xanh và bền vững. Tín dụng xanh của cho thuê tài chính tiến hành theo 2 nghĩa: (i)Thẩm định rủi ro môi trường và xã hội đối với 100% các khoản cấp tín dụng khi cho thuê tài chính; (ii) tài sản, dây chuyền máy móc thiết bị khi cho thuê tài chính phải là công nghệ xanh, giảm phát thải CO2, đi liền với việc tư vấn cho khách hàng tích hợp ESG (nếu có nhu cầu) hướng đến phát triển bền vững.
Ba là, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động trung & dài hạn như từ đối tác quốc tế, tổ chức kinh tế trong nước, từ các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu xanh…đồng thời, thực hiện kế hoạch gia tăng vốn tự có coi như tự có hằng năm để mở rộng khả năng cấp tín dụng đối với một khách hàng, khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan.
Bốn là, Hiệp hội Cho thuê tài chính là đầu mối tập hợp nguồn lực về trí tuệ từ các hội viên, các tổ chức quốc tế để cùng đóng góp xây dựng lên Luật cho thuê tài chính trong những năm tới; góp ý phản biện trong việc xây dựng mới, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi nói riêng.
Đặc biệt, trước mắt, để thực thi hiệu quả Nghị quyết 68, Hiệp hội Cho thuê Tài chính kiến nghị Nhà nước cần có quan điểm thông thoáng hơn trong cấp phép cho các công ty cho thuê tài chính mới, vì đây là tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, giúp mở rộng kênh vốn cho SMEs mà không cần tài sản thế chấp.
Đồng thời, cần điều chỉnh chính sách để phù hợp hơn với đặc thù ngành: chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao hơn (5-6%) do rủi ro của SMEs, hạ tỷ lệ an toàn chi trả VND từ 20% xuống 5%, nâng mức báo cáo dư nợ khách hàng liên quan lên 5% vốn tự có, và tăng giá trị “món nhỏ” cho thuê tài chính không cần phương án kinh doanh lên tối thiểu 500 triệu đồng.
Quan trọng hơn, Hiệp hội đề xuất xây dựng Luật Cho thuê tài chính trong 3-5 năm tới.
“Luật này sẽ mở rộng các loại tài sản được cho thuê, quy định hình thức huy động vốn, quản trị công ty, quản trị rủi ro (chấp nhận rủi ro cao hơn ngân hàng), cũng như các vấn đề về cấp phép và phá sản, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành phát triển”, ông Hòe nhấn mạnh.