Dự kiến số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 2024 vượt dự toán
Dự kiến số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm nay sẽ vượt dự toán. Một số tỉnh hiện đã vượt dự toán và dự báo sẽ vượt dự toán ở mức cao.
Đã có 12 tỉnh, thành sử dụng trên 100% dự toán năm
Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tính đến hết tháng 10/2024, toàn quốc đã sử dụng hết 95,4% dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) năm 2024.
Đặc biệt, có 12 tỉnh, thành phố đã sử dụng trên 100% dự toán năm 2024 như: Tây Ninh vượt 11,4%, Trà Vinh vượt 6,4%, Bình Định vượt 5,2%, Quảng Nam vượt 4,7%, TP. Cần Thơ vượt 2,4%, Quảng Bình vượt 2,3%, Đắk Lắk vượt 2%, Sơn La vượt 1,9%, Tuyên Quang vượt 1,5%, Sóc Trăng vượt 1,4%, Bình Thuận vượt 0,8% và Tiền Giang vượt 0,3%.
Tỷ lệ sử dụng dự toán tăng cao do sự gia tăng số lượt bệnh nhân cũng như số chi KCB BHYT. Trong đó, số lượt KCB BHYT tăng 5,8%, số chi tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong cơ cấu chi phí, mức chênh lệch cao nhất so với cùng kỳ năm trước là tiền giường, chiếm 15,8% trong tổng chi KCB BHYT. Số chi tiền thuốc có mức tăng xếp thứ 2 trong cơ cấu 7 yếu tố chi phí, nhưng chiếm tỷ trọng cao nhất với 31,3% tổng chi KCB BHYT…
Tỷ lệ điều trị nội trú tăng cao
Cũng trong năm 2024, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú có xu hướng tăng cao (bình quân toàn quốc là 10,2%), trong đó, tại nhiều địa phương có tỷ lệ lên tới trên 20% (Lào Cai), 19,7% (Hà Giang) và 17,8% (Sơn La)...
Báo cáo tổng hợp của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cũng chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm trong chi phí KCB BHYT.
Đơn cử như: một số dịch vụ kỹ thuật chiếm tỷ trọng và số gia tăng lớn trong 10 tháng năm 2024; tình trạng chỉ định chụp MRI tăng cao với mức tăng gấp 2-4 lần so với năm trước tại một số địa phương và cơ sở y tế; có trường hợp phòng khám đa khoa tương đương hạng 3 có chi phí bình quân ngoại trú cao hơn tại bệnh viện, thậm chí cao hơn bệnh viện hạng 1 và 2; chi dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền và phục hồi chức năng chiếm tỷ lệ cao so với số chi dịch vụ kỹ thuật toàn quốc…
Tăng cường giám định, đảm bảo quyền lợi của người bệnh
Trước tình hình dự kiến số chi KCB BHYT năm nay vượt dự toán ở mức cao, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương cần tăng cường công tác giám định, đảm bảo sự công bằng, thanh toán đúng quy định, quản lý chi KCB BHYT hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT. Đồng thời khẩn trương giám định để quyết toán đúng thời hạn quy định, thực hiện tạm ứng đúng quy định trên cơ sở dự toán và nguồn được giao...
Để kiểm soát chi phí KCB BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến sẽ tiếp tục căn cứ thông tin cảnh báo trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT, từ đó kịp thời cảnh báo các chỉ tiêu gia tăng chi KCB BHYT tới các cơ sở KCB. Đồng thời, trên cơ sở các nội dung gia tăng chi phí đã nêu trên, đề nghị BHXH các tỉnh tiếp tục rà soát, phân tích nguyên nhân gia tăng chi phí (chi phí thuốc, chỉ định cận lâm sàng, chỉ định vào điều trị nội trú…).
Về giám định chi phí KCB BHYT từ nay đến hết năm 2024, Ban Thực hiện chính sách BHYT đề xuất một số giải pháp cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, về phía BHXH Việt Nam, trên cơ sở dữ liệu tổng hợp, thực hiện phân tích cơ cấu mua sắm và sử dụng thuốc; cảnh báo các loại vật tư y tế sử dụng nhiều, giá cao cần yêu cầu thương thảo như stent động mạch vành, dây truyền, kim luồn…
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phân tích, cung cấp cho bảo hiểm xã hội các tỉnh những cảnh báo về chỉ số chi KCB BHYT gia tăng bất hợp lý, đặc biệt là các phân tích chuyên sâu, mang tính đặc thù của từng cơ sở KCB.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện giám định chuyên đề; tổng hợp các sai phạm thường gặp, có tính hệ thống, lặp đi lặp lại phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra để thông báo cho các tỉnh, làm cơ sở tham mưu, kiến nghị phối hợp hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý sai phạm theo quy định.
Ban Thực hiện chính sách BHYT cũng yêu cầu các địa phương cần nhận diện được các vấn đề phải thực hiện kiểm soát chi phí KCB BHYT của tháng cuối năm 2024; nâng cao trách nhiệm của bảo hiểm xã hội các tỉnh trong việc xác định số tăng chi phí bình quân không điều chỉnh của từng cơ sở KCB theo từng tháng.
Đồng thời, yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với các sở y tế yêu cầu các cơ sở KCB BHYT thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định dịch vụ kỹ thuật, cận lâm sàng, vật tư y tế… nhằm tăng cường phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; xây dựng kế hoạch làm việc trực tiếp với các cơ sở còn có tình trạng gia tăng chi phí cao, từ chối thanh toán các chi phí KCB BHYT không hợp lý, không đúng quy định.
Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11 đã sửa đổi toàn diện tại Điều 12 của Luật hiện hành về đối tượng, phương thức đóng, mức đóng…; sửa đổi, bổ sung quy định Bộ Y tế đánh giá sự hợp lý của dịch vụ KCB. Đây là cơ sở để ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện công tác giám định hiệu quả; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông và sử dụng kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng giữa các cơ sở KCB để giảm chi phí và công sức cho người bệnh cũng như quỹ BHYT…