Du khách Anh ăn sushi tại Nhật

Lần đầu bước vào một nhà hàng sushi, tôi suýt nhảy dựng lên khi tất cả nhân viên, từ đầu bếp đến nhân viên đón khách, đồng thanh kêu lên 'Irashaimase! Chào mừng quý khách!'

Vì đã quen với các cửa hàng và quán ăn ở Anh thường nằm ngang ở tầng trệt, điều khiến tôi sửng sốt nhất ở Tokyo là các nhà hàng thường nằm theo chiều dọc. Các nhà hàng và quán bar nằm chồng lên nhau, với các bảng hiệu neon chỉ dẫn từng tầng có gì.

Tuy mang lại vẻ đẹp như phim khoa học viễn tưởng cyberpunk, điều này làm việc chọn quán ăn khó khăn hơn vì không có cách nào nhìn vào bên trong quán. Chúng tôi đi thang máy lên tầng ba của một tòa nhà, nơi biển hiệu lòe loẹt đề món cocktail. Cửa thang mở ra cảnh một quán bar tồi tàn, quầy bar đông nghẹt và người đứng quầy đưa cánh tay lên làm dấu “X”. Một là quán bar đã đủ khách, hai là anh ta không muốn chúng tôi vào đấy. Chúng tôi mau chóng lủi đi.

Cuối cùng, chúng tôi chọn vào một quán sushi nằm trên mặt đường, ít nhất còn có thể nhìn vào ô cửa sổ. Chúng tôi yên tâm khi thấy cảnh nhộn nhịp bên trong với nhóm đầu bếp mặc tạp dề và mũ trắng đặc trưng đang hăng hái chế tạo món nigiri sushi của họ.

 Mỗi món ăn của người Nhật giống tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: StockCake.

Mỗi món ăn của người Nhật giống tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: StockCake.

Lần đầu bước vào một nhà hàng sushi, tôi suýt nhảy dựng lên khi tất cả nhân viên, từ đầu bếp đến nhân viên đón khách, đồng thanh kêu lên “Irashaimase! Chào mừng quý khách!” Cứ như một dàn đồng ca, từ giọng trầm vang của bếp trưởng tới giọng the thé chói tai của nữ nhân viên phục vụ đang xẹt qua với hai chiếc đĩa hinoki gỗ giữ thăng bằng một cách khéo léo trên tay.

Vì đang là giờ cao điểm buổi chiều và khách bộ hành ai nấy đều vội vã vào các quán ăn tối, hầu như không còn chỗ trống trong nhà hàng, trừ ba ghế cao ngay quầy. Một cô gái trẻ đang đi lại giữa các bàn nhanh nhẹn chạy đến chỗ chúng tôi, đưa ba ngón tay ra hiệu số người. Chúng tôi gật đầu.

“Hai, douzo! Mời đi hướng này.” Cô chỉ chúng tôi tới quầy ngồi và đặt mấy tách trà xanh nóng bốc khói trước mặt, rồi biến mất qua bàn bên cạnh.

Tôi mới chỉ ăn sushi hai, ba lần gì đó ở Anh, và toàn ăn sushi bán ở siêu thị. Trải nghiệm về món cá nhạt nhẽo đặt trên nắm cơm cứng như đá không gây ấn tượng gì mấy. Trong lúc ngồi chờ món sushi thực thụ được mang ra, tôi mê mẩn ngắm nhìn nửa tá đầu bếp đang đồng loạt làm việc một cách nhanh nhẹn để tạo ra món ăn - mà gần giống một tác phẩm nghệ thuật hơn là thức ăn đơn thuần.

Ba đầu bếp đang cắt những lát cá ngừ và cá hồi đắt tiền tươi rói, trong lúc hai người khác dùng tay nặn những nắm cơm tròn hoàn hảo. Một đầu bếp khác, với cây đèn khò đang nướng từng lát cá ngừ nằm trên nắm cơm, biến miếng cá từ màu hồng sang nâu vàng dưới ngọn lửa.

Những miếng làm xong được đặt lên một chiếc đĩa gỗ, kế bên các miếng nigiri khác với hàng loạt thức ăn kèm, từ trứng cá hồi đến trứng chiên bông xốp, và các miếng cá trắng mà tôi chưa từng thấy trước đây. Mùi thơm quyến rũ của món cá ngừ béo ngậy nướng xém, cộng với mùi cá tươi vốn đã rất nồng, khiến căn phòng giống đang ở một cảng biển hơn là giữa thành phố lớn nhất thế giới.

Tuy thực đơn không có tiếng Anh, nhưng may là các món ăn đều có hình minh họa vô cùng hấp dẫn của từng loại sushi. Tôi chỉ vào một đĩa cá ngừ. Chiếc đĩa rộng chứa ba loại cá ngừ: akami, thịt đỏ đậm cắt dày; ootoro, miếng thịt nhiều mỡ nhất, màu hồng nhạt; và chutoro, miếng thịt mỡ vừa.

Ba loại thịt này được nướng xém, cắt và xếp một cách hoàn mỹ, chế tác thành nigiri - sushi ép tay, maki - sushi cuộn, thêm vài miếng sashimi bày biện trên một lớp củ cải daikon, bên cạnh là một nhúm wasabi. Đĩa sushi mười hai miếng này có giá 2.700 yên ($24), đắt hơn món sushi mua ở siêu thị nhiều.

Chris Broad/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/du-khach-anh-an-sushi-tai-nhat-post1570667.html