Dự án lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long: Bộ TN&MT đề nghị làm rõ đánh giá tác động môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét kỹ lưỡng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự án khu đô thị 10B.
Xem xét để có biện pháp xử lý
Văn bảo Bộ TN&MT cho biết, qua nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc Công ty TNHH Đỗ Gia Capital (sau đây viết tắt là Công ty), khi triển khai thi công xây dựng Dự án khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (sau đây viết tắt là Dự án) có nguy cơ tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên khu vực và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước Vịnh Hạ Long.
Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án theo Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 15/6/2023.
Xem xét kỹ lưỡng nội dung báo cáo ĐTM và Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM có tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hay chưa để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Trong đó cần lưu ý đến một số vấn đề gồm sự phù hợp của Dự án với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023.
Sự phù hợp của việc nhận dạng, xác định hạng mục công trình và hoạt động của Dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là tác động tới cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và chất lượng môi trường biển Vịnh Hạ Long tại khu vực thực hiện Dự án.
Sự phù hợp, tính khả thi của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ việc thực hiện Dự án đến cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn, tính đa dạng sinh học và chất lượng nước biển ven bờ khu vực thực hiện Dự án.
Kiểm tra, giám sát Công ty Đỗ Gia Capital trong thực hiện
Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giám sát Công ty trong việc thực hiện các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Quyết định số 1614/QĐ-UBND, trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Quá trình kiểm tra cần lưu ý đến việc tuân thủ tiến trình thi công các hạng mục của Dự án, thời điểm thi công (theo chế độ thủy triều của khu vực), việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo cam kết của Công ty trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định và các hồ sơ pháp lý có liên quan.
Yêu cầu Công ty phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và các pháp luật có liên quan.
Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh, trong trường hợp có cơ sở nhận định các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường tại Quyết định số 1614/QĐ-UBND chưa bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ và phù hợp với thực tế triển khai thì yêu cầu Công ty nghiên cứu, bổ sung các biện pháp, giải pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ việc triển khai thực hiện Dự án đến môi trường biển khu vực.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó đặc biệt lưu ý đến các dự án triển khai tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Kết quả thực hiện các nội dung trên được Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo trước ngày 15 tháng 11 năm 2023.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh, trong quá trình thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn cần quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần; thực hiện đúng mục tiêu bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng, đảm bảo các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn và các nội dung khác về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao các Bộ liên quan và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh Dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ", xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định.
Về việc này Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ TN&MT và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh của bài báo nêu trên, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 25 tháng 11 năm 2023.
Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lê Đức Luận – Giảng viên Trường Đại học Đà Nẵng khẳng định các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình phê duyệt dự án.
“Nếu cần thiết chúng ta có thể tạm dừng thi công dự án để xem xét quy trình phê duyệt dự án có đúng hay không? Nếu cần thiết chúng ta cần phải trình sự việc lên cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, tránh việc di sản bị xâm phạm”, PGS.TS Lê Đức Luận khẳng định.
Theo PGS.TS Lê Đức Luận thì Vịnh Hạ Long (Việt Nam) cùng với rừng rậm Amazon (Nam Mỹ), thác Iguazu (Argentina và Brazil), đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia), vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesca (Philippines), núi Bàn (Nam Phi) là 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
“Chúng ta cần cân bằng lợi ích giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế. Nếu cần thiết xây dựng khu đô thị, khu du lịch tại các vị trí nêu trên, chúng ta không nhất thiết phải xây dựng quá rộng như Quảng Ninh đang làm, biến những ngọn núi trong vùng đệm của di sản thành hòn non bộ trong khu đô thị như báo chí đưa tin”, PGS.TS Lê Đức Luận khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Lê Đức Luận thì từ khi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay Vịnh Hạ Long đang dần kém hấp dẫn du khách quốc tế khi nhiều khu vực đang bị bàn tay con người can thiệp, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết của cả quần thể.
“Để có thể thu hút khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế quay trở lại với Vịnh Hạ Long chúng ta cần hạn chế tuyệt đối việc can thiệp vào vùng lõi di sản và các vùng đệm. Làm tốt công tác bảo tồn di sản cũng góp phần gia tăng lợi ích kinh tế từ di sản cho ngành công nghiệp du lịch nói riêng, nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh nói chung thay vì phát triển nóng bằng việc lấn biển xây dựng khu đô thị như nhiều địa phương đang làm hiện nay", PGS.TS Lê Đức Luận chia sẻ.