Dự án đường tránh đông Buôn Ma Thuột chưa hẹn ngày về đích
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (dự án đường tránh Đông) được khởi công năm 2021, quá trình triển khai liên tục gặp vấn đề khi bị chậm tiến độ; đội vốn phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện.
Đến nay, dự án tiếp tục chậm tiến độ, thậm chí chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và một số vị trí đã hoàn thành nhưng bị hư hỏng.
Dự án đường tránh Đông là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk do Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư; tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.841,095 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư (Ban A); chiều dài tuyến 39,606 km đi qua địa bàn các huyện Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Pắc và thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), qua kiểm tra dự án cho thấy, giải phóng mặt bằng của địa phương triển khai rất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Tính đến cuối tháng 11/2024, đã bàn giao mặt bằng 37,909/39,61 km (95,72%); còn lại 1,7 km chưa giải phóng mặt bằng (huyện Cư M’gar còn 0,876 km/33 hộ; thành phố Buôn Ma Thuột còn 0,821 km/53 hộ). Ngoài ra, dự án còn vướng trụ điện cao thế T20 thuộc dự án Trạm biến áp 220 kV Krông Ana nằm trên tuyến tại Km32+600 chưa được di dời.
Về tình hình thi công, dự án gồm 02 gói thầu xây lắp đang thi công với tổng giá trị sản lượng ước tính khoảng 581,27/978,77 tỷ đồng (đạt 59,4% giá trị hợp đồng), chậm khoảng 17% so với kế hoạch dự kiến. Đặc biệt, đối với phần khối lượng công việc do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn thực hiện trên cả 2 gói thầu còn lại rất lớn, tiến độ thi công của nhà thầu rất chậm và khó có thể hoàn thành toàn bộ công việc theo Hợp đồng trước ngày 31/12/2024 như tiến độ đã được gia hạn.
Đáng quan tâm, qua kiểm tra thực tế trên tuyến đoạn Km9+450 ÷ Km9+900 do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn thi công đã có một số vị trí bị hư hỏng, bong bật mặt đường, cần có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân và có giải pháp sửa chữa, khắc phục triệt để các hư hỏng trên tuyến.
Liên quan đến vấn đề chất lượng công trình, ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông, Ban A cho biết, chủ đầu tư sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để khắc phục sữa chữa. Theo đó, yêu cầu tư vấn giám sát phải có báo cáo cụ thể của từng vị trí hư hỏng; giao trách nhiệm cho nhà thầu thi công phải bố trí kinh phí khắc phục các vị trí bị hư hỏng, bong bật mặt đường, đảm bảo chất lượng của dự án.
Trước thực tế triển khai dự án, ngày 28/11, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, trong đó nhấn mạnh, theo tiến độ đề ra, dự án phải cơ bản hoàn thành trong năm 2024 và hoàn thiện thủ tục bàn giao công trình trước ngày 30/6/2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 1,7 km chưa giải phóng mặt bằng; một số đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng vẫn còn hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chưa nhận tiền bồi thường; trụ điện cao thế T20 thuộc dự án Trạm biến áp 220 kV Krông Ana nằm trên tuyến tại Km32+600 chưa được di dời…
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương hoàn thiện giải phóng mặt bằng; tổ chức di dời trụ điện cao thế T20 ra khỏi phạm vi của dự án; chỉ đạo các Hội đồng giải phóng mặt bằng của các huyện, thành phố khẩn trương phê duyệt phương án đền bù và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn đã đăng ký bổ sung; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, an toàn trong thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư và các nhà thầu theo quy định.
Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, quá trình triển khai luôn trong trạng thái “ì ạch”, thậm chí đội vốn gần 332 tỷ đồng (chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng) và kéo dài thời gian thực hiện. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan cũng như ban hành nhiều văn bản để đề nghị, đôn đốc… đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo kế hoạch đề ra. Dù vậy, các tồn tại liên quan đến dự án như giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công… vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó lại phát sinh thêm vấn đề chất lượng công trình.
Đáng nói, đây cũng là dự án được UBND Đắk Lắk lựa chọn làm một trong những công trình tiêu biểu hoàn thành để chào mừng Kỷ niệm 120 ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024). Thế nhưng, ngày kỷ niệm đã “đi qua” nhưng dự án vẫn “nằm lại” và chưa hẹn ngày về đích.