Dự án 'Chúng tôi có thể' sẽ tạo việc làm cho 27.000 hộ dân tộc thiểu số vào năm 2025

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động dự án 'Chúng tôi có thể', Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Lê Sơn Hải nhấn mạnh: Mục tiêu đến năm 2025 tạo ra việc làm cho ít nhất 27.000 hộ dân tộc thiểu số (DTTS).

Vừa qua, tại Hà Nội, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động dự án “Chúng tôi có thể” được Ủy ban Dân tộc tổ chức với sự hợp tác của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương.

Dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn” khởi động năm 2019 với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn CJ của Hàn Quốc, đồng triển khai bởi Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNESCO, cùng 3 tỉnh là Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

“Dự án “Chúng tôi có thể” đã giúp Ủy ban Dân tộc cũng như các địa phương có những bài học kinh nghiệm hữu ích cho việc việc thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhận xét tại Hội thảo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Báo dân tộc).

Phát biểu khai mạc, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã chạm đến niềm cảm hứng và sự cam kết cải thiện điều kiện kinh tế cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số, giúp chị em và gia đình tiếp cận tốt hơn với giáo dục, việc làm, y tế và các dịch vụ dân sinh khác.”

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải, trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Do vậy, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động, nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ

“Một trong những mục tiêu hướng đến năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG) là: Tạo ra việc làm cho ít nhất 27 nghìn hộ DTTS thông qua việc hỗ trợ, phát triển 1.864 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ở khu vực các xã khu vực III, khu vực II vùng đồng bào DTTS và miền núi do người DTTS làm chủ, hoặc có ít nhất 50% lao động là người DTTS (phấn đấu ít nhất có 50% các mô hình do nữ giới làm chủ, hoặc có từ 50% số lao động là nữ giới trở lên)”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải nhấn mạnh.

Dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn” khởi động năm 2019 với sự hỗ trợ tài chính của tập đoàn CJ của Hàn Quốc, đồng triển khai bởi Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNESCO, tại 3 tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

5 hoạt động chính do dự án triển khai: (1) Nghiên cứu khoảng trống chính sách và rào cản đối với giáo dục, đào tạo, việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ DTTS; (2) Thu thập những câu chuyện thể hiện vai trò, tác động tích cực của giáo dục, đào tạo đối với trẻ em gái và phụ nữ DTTS; (3) Kết nối các doanh nghiệp và hiệp hội, tổ chức tham quan học tập các mô hình kinh doanh thành công do phụ nữ DTTS làm chủ (thí điểm tại tỉnh Hà Giang); (4) Tổ chức đào tạo cho phụ nữ DTTS nhằm hỗ trợ nâng cao kiến thức và kỹ năng về tạo thu nhập và việc làm (thí điểm tại tỉnh Hà Giang); (5) Hội thảo thúc đẩy hợp tác, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và thanh niên DTTS tỉnh Hà Giang.

Quỳnh Anh (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/du-an-chung-toi-co-the-se-tao-viec-lam-cho-27000-ho-dan-toc-thieu-so-vao-nam-2025-173447.html