Đột phá cho ngành Thể thao, Văn hóa, Du lịch: 7 nhiệm vụ then chốt để 'về đích'

Thủ tướng yêu cầu ngành VHTTDL cần bứt phá bằng cách loại bỏ tư duy không quản được thì cấm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho, đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực và huy động tối đa nguồn lực xã hội.

Năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định là cột mốc đặc biệt quan trọng, khi Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

Đây cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại, như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, và 80 năm thành lập nước.

Năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu từ du lịch đạt 260.000 tỷ đồng

Năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu từ du lịch đạt 260.000 tỷ đồng

Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi", nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là tập trung vào hành động, không thoái lui trước thử thách, nhằm đạt tăng trưởng GDP khoảng 8% và hoàn thành các mục tiêu phát triển.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã đề ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng. Trước tiên, ông kêu gọi đột phá thể chế, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và loại bỏ cơ chế "xin-cho". Thay vào đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển.

Hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng số và các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch cũng cần được đẩy mạnh. Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa ngành. Song song đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao, được xem là yếu tố cốt lõi. Ông nhấn mạnh cần có chính sách giữ chân nhân tài, khuyến khích sáng tạo và xử lý nghiêm tình trạng né tránh trách nhiệm.

Một điểm nhấn quan trọng khác là huy động nguồn lực từ xã hội thông qua hợp tác công tư, với vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt. Thủ tướng đề xuất khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, như sân vận động Mỹ Đình, và nhấn mạnh rằng chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì khó có thể phát triển nhanh chóng ngành văn hóa, thể thao, du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Văn hóa, thể thao, du lịch phải huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội để tăng tốc, bứt phá - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Văn hóa, thể thao, du lịch phải huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội để tăng tốc, bứt phá - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành trên cơ sở dữ liệu thông minh là nhiệm vụ tiếp theo được nêu ra. Đồng thời, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình thành công, tạo phong trào phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng lấy ví dụ từ những sự kiện nổi bật như hai buổi hòa nhạc gần đây, hay các thành tích đáng tự hào trong bóng đá nữ và bóng chuyền nữ.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu tạo cơ chế để người dân được thụ hưởng đầy đủ thành quả từ các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Ông nhấn mạnh rằng đây không chỉ là mục tiêu cấp bách mà còn là chiến lược dài hạn, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng.

Nhấn mạnh vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng khẳng định: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, thể thao là nền tảng sức khỏe của đất nước, và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn." Ông dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi," và khẳng định vai trò của ngành trong việc tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.

Hàn Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/dot-pha-cho-nganh-the-thao-van-hoa-du-lich-7-nhiem-vu-then-chot-de-ve-dich-c17a88116.html