Dòng vốn chảy vào vàng đang mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây

Đã có 187,3 tấn vàng đã chảy vào các quỹ ETF toàn cầu trong tháng 3 vừa qua, mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, bất chấp sự phục hồi đáng kể của chứng khoán và USD.

Sáng nay, giá vàng trong nước có xu hướng giảm nhẹ. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm 50 nghìn đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Theo đó, giá mua vào đối với thương hiệu vàng này đang là 68,10 triệu đồng/lượng; giá bán ra mức 68,75 triệu đồng/lượng tại TP.HCM, 68,77 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.

Trên thị trường, giá vàng chiều mua vào đang phổ biến giao dịch trong khoảng 68,00 – 68,10 triệu đồng/lượng; chiều bán ra trong khoảng 68,60 – 68,70 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng hôm qua đón nhận thông tin trong biên bản cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED. Tuy nhiên, kim loại quý phản ứng không đáng kể với biên bản cuộc họp này, do không có yếu tố bất ngờ nào. Thị trường vàng ban đầu suy giảm nhẹ sau công bố của FED, tuy nhiên sau đó nhanh chóng lấy lại sự cân bằng và chốt phiên với mức tăng hơn 2 USD mỗi ounce, lên mức 1.925 USD/ounce.

Giá vàng không phản ứng quá nhiều với biên bản cuộc họp của FED

Giá vàng không phản ứng quá nhiều với biên bản cuộc họp của FED

Biên bản cuộc họp FOMC tháng 3 đã làm sáng tỏ kế hoạch hiện tại của FED để bắt đầu thu hẹp tài sản trong bảng cân đối kế toán. Bắt đầu từ tháng 3-2020, FED đã thêm khoảng 4.600 tỷ USD bằng cách mua 120 tỷ USD hàng tháng đối với chứng khoán được thế chấp (40 tỷ USD) và Kho bạc Mỹ (80 tỷ USD), đưa tài sản bảng cân đối của họ lên hơn 9.000 tỷ đô la.

Biên bản được công bố cho biết, FED sẽ giảm khoảng 3.000 tỷ USD, đưa bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD xuống còn 6.000 tỷ USD trong khoảng thời gian 3 năm.

Theo Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Lael - Brainard, FED có kế hoạch sử dụng kết hợp việc tăng lãi suất và tháo gỡ bảng cân đối kế toán nhanh chóng để đưa chính sách tiền tệ của Mỹ về vị trí trung lập hơn vào cuối năm nay.

Phản ứng lưỡng lự của giá vàng cũng thể hiện sự phân tán trong cách tiếp cận thông tin trong biên bản của FOMC. Trong khi FED đang truyền tải thông điệp rằng sẽ giảm nhanh chóng bảng cân đối kế toán của họ, nhưng thực tế là bảng cân đối kế toán này sẽ vẫn cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ USD so với trước đại dịch.

Trong khi đó, vàng đang được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn của dòng vốn toàn cầu. Sự bất ổn địa chính trị được tạo ra bởi xung đột Nga - Ukraine và mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng đã gia tăng nhu cầu vàng của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Và điều này là bất chấp việc FED đang bắt đầu một chu kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt mới.

WGC cho biết, đã có 187,3 tấn vàng đã chảy vào các quỹ ETF toàn cầu trong tháng 3 vừa qua. Đây là dòng vốn mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, bất chấp sự phục hồi đáng kể của chứng khoán và đồng đô la Mỹ tăng mạnh. Dòng vốn này hầu hết đến từ các quỹ ETF vàng Bắc Mỹ và châu Âu.

Tính chung trong quý đầu tiên của năm, đã có 269 tấn vàng chảy vào các quỹ này và giá vàng tăng 8% trong 3 tháng đầu năm 2022, mức tăng hàng quý tốt nhất kể từ quý II/2020.

Các nhà phân tích cho rằng vàng đang là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất trong bối cảnh thị trường trái phiếu và cổ phiếu suy yếu đáng kể. “Trong một thời kỳ được đánh dấu bởi sự bất ổn kinh tế và sự biến động gia tăng, vàng đã chứng tỏ một nguồn đáng tin cậy để đa dạng hóa và bảo toàn của cải” – các nhà phân tích WGC nhận định.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-von-chay-vao-vang-dang-manh-nhat-trong-vong-6-nam-tro-lai-day-post500847.antd