Đồng thuận vì tương lai phát triển

Trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc Thừa Thiên Huế sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) là điều không thể khác.

 Hệ thống giao thông tại các xã thuộc diện sáp nhập ở Phong Điền ngày càng hoàn thiện

Hệ thống giao thông tại các xã thuộc diện sáp nhập ở Phong Điền ngày càng hoàn thiện

Từ xã lên phường

Người dân vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) thời gian gần đây không khỏi vui mừng khi hạ tầng đường làng, ngõ xóm được đầu tư khang trang với những con đường bê tông trải dài, nhiều tuyến huyết mạch liên xã được lát vỉa hè. Tuy nhiên, diện mạo ấy chưa phải là điều mới nhất, nhiều người nói vui với nhau rằng, việc sắp trở thành công dân… phường mới là điều đặc biệt, khác lạ.

Trong tư tưởng người dân vùng đất đầy nắng gió ở Ngũ Điền, họ đã quá quen với các tên gọi làng, xã, thôn, xóm. Bây giờ, theo báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Phong Điền, xã Phong Hải sẽ sáp nhập với xã Điền Hải, trở thành phường Phong Hải; xã Điền Hòa sáp nhập với xã Điền Lộc trở thành phường Phong Phú…

Lúc mới phổ biến, triển khai công tác sáp nhập, chính quyền các cấp ở Phong Điền đã thực hiện công tác lấy phiếu cử tri. Điều đáng mừng là phần lớn cử tri đồng tình, ủng hộ cao chủ trương của tỉnh. Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Điền Hòa Phan Xuân Tấn chia sẻ, khi người dân được lấy ý kiến về việc sáp nhập cũng như tên gọi các ĐVHC mới, đa số phấn khởi. Họ không chỉ ủng hộ mà còn chờ đợi, hy vọng về sự đổi thay ngay trên chính vùng đất quê hương. “Nếu trở thành phường, điều người dân quan tâm nhất chính là hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều hơn, cùng với đó là những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả hơn từ phía Nhà nước”, ông Tấn chia sẻ.

Theo lãnh đạo các địa phương thuộc diện sáp nhập ở Phong Điền, công tác tuyên truyền, vận động luôn được chú trọng từ khi có chủ trương sáp nhập các ĐVHC. Để một chủ trương lớn đi vào cuộc sống và thay đổi những tên gọi đã đi vào tiềm thức của dân bản địa, cán bộ thôn, xã thông qua các cuộc họp thôn, chi bộ, thậm chí đến tận nhà dân để giải thích, chia sẻ.

“Trong quá trình tuyên truyền, vận động, dù gặp một số khó khăn song đa số người dân địa phương đồng tình, ủng hộ cao với chủ trương chung”, Chủ tịch UBND xã Phong Hải Hoàng Văn Sửu chia sẻ.

Theo hướng tinh gọn

Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định công nhận khu vực dự kiến thành lập các phường trên địa bàn đô thị Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường của đô thị loại IV.

Khi trở thành thị xã, Phong Điền còn 12 ĐVHC gồm có 6 phường và 6 xã, giảm 4 đơn vị so với 16 ĐVHC gồm 15 xã và 1 thị trấn như hiện tại .

Lãnh đạo huyện Phong Điền cho biết, từ 8 đơn vị sáp nhập thành 4 đơn vị tất nhiên sẽ nảy sinh một số khó khăn trong sắp xếp nhân sự các vị trí lãnh đạo quản lý, và điều này đang được chính quyền các cấp nghiên cứu với nhiều phương án nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Trên bình diện chung toàn tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Thừa Thiên Huế đã thực hiện sắp xếp 23 ĐVHC cấp xã để thành lập 12 ĐVHC cấp xã mới. Như vậy toàn tỉnh từ 152 đơn vị giảm xuống còn 141 đơn vị (giảm 11 ĐVHC cấp xã).

Đối với việc thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Thừa Thiên Huế không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có 11 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Mặc dù không phải là các đơn vị thuộc diện sắp xếp theo quy định, nhưng với tinh thần khuyến khích sắp xếp để giảm số lượng ĐVHC, tỉnh quyết định xây dựng phương án sắp xếp huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc để thành lập huyện mới.

Song song với việc sắp xếp ĐVHC, tỉnh đã gắn nội dung này cùng với việc triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đã xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”.

Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, cùng với nguồn lực vật chất đang được tập trung huy động tối đa và các cơ chế chính sách đặc thù, các đề án, quy hoạch quan trọng đã được thông qua thì Đề án “Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế” đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng và đề ra các phương án cụ thể sắp xếp, thành lập ĐVHC các cấp theo hướng tinh gọn, phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; giúp thành phố Huế trực thuộc Trung ương thiết lập bộ máy quản lý hành chính phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/dong-thuan-vi-tuong-lai-phat-trien-145074.html