Đồng Tháp tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn
ĐTO - Những năm qua, các ngành, các cấp của tỉnh Đồng Tháp có nhiều định hướng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó, hướng đến việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn kết với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp
Tại Tổ hợp tác Sản xuất sinh thái Quyết Tiến (huyện Tam Nông), thời gian qua, thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp lúa, cá, vịt trên cùng một cánh đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, trong vụ lúa đông xuân 2023, tổ sản xuất giống ST25 với tổng diện tích hơn 20ha, mật độ sạ 5kg/1.000m2. Để áp dụng sản xuất theo hướng giảm giá thành, tổ thực hiện bón phân hữu cơ vùi 35kg/1.000m2. Kết quả, năng suất 700 - 750kg/1.000m2; giá bán bình quân khoảng 7.500 đồng/kg, lợi nhuận 2,5 triệu đồng/1.000m2.
Cũng trên cùng cánh đồng, các thành viên của tổ thực hiện thả nuôi khoảng 600 con vịt cò trong ruộng lúa. Khi lúa đến thời điểm thu hoạch cũng là lúc vịt lớn và thu lợi nhuận 12.000 đồng/con. Đồng thời, trong suốt quá trình canh tác, trên cánh đồng, các thành viên còn tận dụng thả nuôi cá để kiếm thêm thu nhập.
Không dừng lại đó, từ năm 2023 tới nay, Tổ hợp tác triển khai thực hiện mô hình Du lịch trải nghiệm mùa nước nổi. Qua đó, thu hút các đoàn khách trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập khá cho các thành viên tham gia. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tổ triển khai việc làm thêm một số dịch vụ như: xới đất, trục trạc, sạ cụm...
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất sinh thái Quyết Tiến, cho biết: “Thời gian qua, khi tham gia mô hình, nông dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, tập trung trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Từ đó, giúp thành viên giảm lượng giống 50%, phân bón 20% so với trước kia. Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình còn chủ động thu gom rơm để sản xuất nấm rơm hoặc bán nhằm tránh đốt đồng gây ô nhiễm môi trường. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào, không lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, phân bón...”.
Thời gian qua, Công ty TNHH Công nghệ Endota (huyện Cao Lãnh) tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, nhất là chế biến phụ phẩm xoài theo vòng tuần hoàn mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, mô hình có quy mô khoảng 5.000m2, tận dụng một số phế phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu là phụ, phế phẩm ngành hàng xoài (vỏ, cùi, trái xoài) để nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Theo đó, bằng công nghệ thủy phân tiên tiến, Công ty TNHH Công nghệ Endota biến ấu trùng ruồi lính đen thành những chế phẩm sinh học dùng cho cây trồng và các loại vật nuôi. Đối với cây trồng, sản phẩm hữu cơ này có thể sử dụng cho các loại cây lương thực, cây ăn quả, rau màu và cây kiểng. Lợi ích sản phẩm mang lại đối với cây trồng là rễ phát triển mạnh, cây khỏe, đạt năng suất cao, đặc biệt giảm được lượng phân bón hóa học, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng. Đối với vật nuôi, chế phẩm sinh học đã được áp dụng rất hiệu quả trên heo, bò, dê, gà, vịt, ếch, tôm, cá...
Anh Võ Duy Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Endota, chia sẻ: “Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình bước đầu còn góp phần tích cực xử lý môi trường, nhất là phụ phẩm từ xoài, rau, củ quả khác. Trong quá trình xử lý phân hủy không gây ra mùi hôi hoặc các tác dụng phụ như: hiệu ứng nhà kính, nước thải, đặc biệt tiết kiệm chi phí trong xử lý rác thải so với cách xử lý rác thải khác...”.
Tiếp tục lan tỏa các mô hình nông nghiệp tiên tiến
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (Liên hiệp Hội), cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, Liên hiệp Hội đã tổ chức hơn 10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường. Qua các hội nghị góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, hội viên và nông dân trên địa bàn tỉnh về hiệu quả trong sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch bệnh; kịp thời định hướng về quy trình, cách thức sử dụng các chế phẩm sinh học, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường...”.
Để nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa, cá, vịt, ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất sinh thái Quyết Tiến, cho biết: “Thời gian tới, Tổ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ; chuẩn bị ra mắt sản phẩm gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn và thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP. Tổ cũng đã phát triển du lịch trải nghiệm quanh năm để nâng cao thu nhập cho thành viên...”.
Với mô hình sản xuất ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, anh Võ Duy Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Endota, chia sẻ: “Thời gian tới, đơn vị sẽ mở rộng thêm các lĩnh vực hoạt động gồm: thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tư vấn hồ sơ môi trường; chăn nuôi ruồi lính đen để xử lý rác thải; sản xuất và phân phối chế phẩm sinh học từ ruồi lính đen, phân viên nén ruồi lính đen, giá thể trồng cây, than sinh học không khói... Đồng thời hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc tế...”.
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết thêm: “Trong thời gian tới, để chung tay với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thuận thiên, Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức các hội nghị chuyên đề tuyên truyền về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với đặc thù của Đồng Tháp nhằm hiện thực hóa chủ trương của tỉnh...”.