Đồng Nai quyết loại bỏ dự án công nghệ lạc hậu để tăng sức cạnh tranh

Tỉnh Đồng Nai sẽ loại bỏ các dự án công nghệ lạc hậu, tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư bằng việc xây dựng các khu công nghiệp xanh, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ.

Vấn đề này được các chuyên gia và doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai diễn ra ngày 2/7.

Giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai thấp

Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là động lực tăng trưởng chính của Đồng Nai, đóng góp hơn 709.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 750.000 lao động.

Tuy vậy, xét về mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2015 -2020 tỉnh có mức tăng bình quân 9,0%/năm, thấp hơn mức tăng 10% trung bình của cả nước.

Nguyên nhân được chỉ ra là tỉnh thiếu các dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phần lớn là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tỉnh cũng chưa có các khu công nghệ cao để thu hút các tập đoàn lớn.

Đồng Nai đang dần chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái để thu hút đầu tư ngành công nghệ cao

Đồng Nai đang dần chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái để thu hút đầu tư ngành công nghệ cao

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thừa nhận, với 750.000 lao động ngành công nghiệp Đồng Nai trong 10 năm mà chỉ đóng góp 709.000 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lao động chỉ đóng góp 100 triệu đồng trong 1 năm là rất kém hiệu quả.

"Cả tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp mà sử dụng côg nghệ lạc hậu thì không chấp nhận được. Nếu cứ tiếp tục tồn tại như vậy thì công nghiệp Đồng Nai khó cạnh tranh với các tỉnh khác", Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ ra điểm yếu.

Để cải thiện các điểm yếu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chú trọng đầu tư các khu công nghiệp xanh, khu công nghệ cao.

Giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành tỉnh dẫn đầu trong phát triển công nghiệp là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bổ sung 6 khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt với diện tích 5.375 ha. Tỉnh cũng đề xuất thêm 10 khu công nghiệp đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030 với diện tích 2.923 ha.

Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ

Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Hồ Quang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam cho rằng, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thì việc thay đổi công nghệ sản xuất phù hợp với xu thế công nghệ 4.0 là sự sống còn của doanh nghiệp.

Tại Tripod, năm 2023 doanh nghiệp đã đầu tư 20 triệu USD để chuyển đổi công nghệ để hướng đến mô hình nhà máy thông minh nhằm gia tăng sức cạnh tranh.

Ông Hồ Quang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ

Ông Hồ Quang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ

Nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo cho rằng để thu hút các ngành công nghệ cao, gia tăng giá trị thì phải xây dựng các khu công nghiệp xanh, sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Đồng Nai hiện nay các khu công nghiệp xây dựng theo tiêu chuẩn xanh rất ít. Là một trong số ít các chủ đầu tư khu công nghiệp đầu tư theo tiêu chuẩn xanh, ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc cấp cao quản lý công trường của Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa cho biết, đến năm 2023 Khu công nghiệp Amatar đạt được 87 % các tiêu chí theo khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái toàn cầu.

Giai đoạn tiếp theo , Khu công nghiệp Amata triển khai một số giải pháp cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí và hướng tới đạt chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên, ông Nghị cho biết quá trình thực hiện đang gặp một số vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện như chưa có quy chuẩn chính thức về chất lượng nước thải sau xử lý cho mục đích tưới cây.

Hay như việc ủ phân Compost đối với bùn thải và cành lá cây cắt tỉa trong khu công nghiệp, phân bón sau đó sẽ được sử dụng để bón lại cho cây xanh trong Khu công nghiệp Amata. Tuy nhiên, khi áp dụng cần bố trí quỹ đất và tuân thủ các quy định liên quan đến đánh giá phân bón, các tiêu chí của phân bón khi sử dụng bón cho cây.

Để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, ông Hồ Quang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam đề xuất tỉnh Đồng Nai cần có chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư chuyển đổi.

Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp là phải chuyển đổi công nghệ, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phân loại cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.

Thậm chí cần phải công bố danh sách những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu để doanh nghiệp chuyển sang công nghệ mới. Đối với những doanh nghiệp hết vòng đời dự án không để tồn tại và có chế tài xử lý vi phạm nếu doanh nghiệp tiếp tục sử dụng.

“Ngành công nghiệp Đồng Nai đang sở hữu vị trí vô cùng đắc địa với cảng Phước An, gần cảng nước sâu Cái Mép, sở hữu sân bay quốc tế Long Thành. Nếu không sớm chuyển đổi công nghệ, không thấy đây là nhu cầu cấp bách thì Đồng Nai còn tiếp tục thua kém các tỉnh thành, thành khác", Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cảnh báo.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-nai-quyet-loai-bo-du-an-cong-nghe-lac-hau-de-tang-suc-canh-tranh-d219106.html