Động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ

Bài cuối:
CẢ NƯỚC VÌ VÙNG, VÙNG VÌ CẢ NƯỚC

BPO - Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Đông Nam Bộ có nhiều lợi thế để phát triển, kéo đoàn tàu kinh tế cả nước chuyển bánh. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, các lợi thế vùng chưa được phát huy, kinh tế vùng phát triển chưa xứng tầm. Trên cơ sở Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, với quyết tâm nhanh chóng đưa nghị quyết vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã và đang triển khai nhiều công trình, phần việc để khơi thông nguồn lực và liên kết cùng phát triển.

Đưa nghị quyết vào thực tiễn

Ngay sau hội nghị quán triệt nghị quyết, sáng 26-11-2022, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì hội nghị công bố Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Với chủ đề "Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới", hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Tại hội nghị đã có nhiều tham luận, ý kiến gợi mở các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho sự phát triển của vùng.

Đại diện lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 - Ảnh: Thanh Mảng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra”.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, giai đoạn 2010-2020, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; các tuyến giao thông chính yếu như quốc lộ 1, 13, 51, 22, 14 nhiều đoạn đã mãn tải; hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng. Trên cơ sở quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, thành phố sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để cùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 24. Trong đó, trước mắt sẽ phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại Bình Phước trong 2 ngày 17 và 18-3-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ: Một trong những đặc trưng của Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ là có tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước. Điều đó dẫn đến những khó khăn trong quá trình đô thị hóa và tăng trưởng như: kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội... Ngoài ra, nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho các địa phương trong vùng chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước cũng là một trở ngại của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

“Đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển”

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Thời gian qua, vùng đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước, nhưng còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu để vùng đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có GDP, "cả nước vì vùng, vùng vì cả nước". Để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, bản lĩnh và cả tính nghệ thuật.

Phải có "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới". Tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết... từ đó có những sản phẩm không chỉ là "Made in Viet Nam, made by Viet Nam". Sản phẩm phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Bên cạnh đó, nội lực cần kết hợp với ngoại lực (là vốn, công nghệ, quản lý, thể chế...), sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ
PHẠM MINH CHÍNH

Được ví như “trái tim” kinh tế của cả nước, thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với 3 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực, đem lại hiệu quả tích cực. Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển giữa các đơn vị vừa qua, 6 tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục ký kết hợp tác phát triển đến năm 2025. Trọng tâm về công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, chuyển đổi số.

Đại diện các doanh nghiệp và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước giới thiệu với khách nước ngoài về sản phẩm hạt điều Bình Phước

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương phải phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển. Là “toa tàu chính”, TP. Hồ Chí Minh phải chủ động tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp và các tỉnh phát triển nhiều hơn nữa. Vùng và mỗi tỉnh cần chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của địa phương mình và hoàn thiện quy chế hoạt động. Đặc biệt phải tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động của vùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Thời gian qua, việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đạt những kết quả quan trọng, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực. Các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.

Vùng kinh tế Đông Nam Bộ rất năng động, trong đó TP. Hồ Chí Minh có vai trò nòng cốt và các tỉnh lân cận là khu vực vệ tinh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vì vậy, khi các địa phương, doanh nghiệp gắn kết, liên kết sẽ tạo nên không gian rộng lớn để cùng phát triển, xứng tầm với vị trí đầu tàu kinh tế phía Nam.

Ông HUỲNH THÀNH CHUNG
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico, tỉnh Bình Phước

Tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ là rất lớn, được ví như những viên ngọc thô, ngọc càng mài càng sáng. Vấn đề hiện nay là phải có sợi dây kết nối chặt chẽ các viên ngọc với nhau để tăng giá trị, khẳng định vị thế. Với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 24-NQ/TW là sợi dây như thế, một động lực mới, khí thế mới tạo đường băng cho Đông Nam Bộ cất cánh. Với tinh thần: Cả nước vì vùng, Đông Nam Bộ quyết vươn lên cùng với cả nước, vì cả nước, luôn là đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất.

M.Nhâm - M.Luận - H.Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/142529/dong-luc-phat-trien-vung-dong-nam-bo