Động lực ở Trung Thành
Mảnh đất Trung Thành 1, xã Thành Long (Hàm Yên) nơi có trên 116 nóc nhà người Cao Lan sinh sống nay đã thay da đổi thịt. Xóm núi nghèo khó, giáp ranh tỉnh Yên Bái nay đã chuyển mình mạnh mẽ...
Lấy ngắn nuôi dài
Những năm gần đây, người dân dân tộc Cao Lan ở thôn Trung Thành 1 đã phát huy thế mạnh từ 500 ha đất đồi để trồng rừng nên cuộc sống đổi thay tích cực, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Anh Hà Minh Tấn, Trưởng thôn Trung Thành 1 cho biết, thôn có 116 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Từ một thôn nghèo khó, đến nay thôn đi đầu trong phát triển kinh tế rừng của xã Thành Long. Nhiều hộ dân xây dựng được nhà cửa khang trang, trị giá cả tỷ đồng từ phát triển kinh tế rừng.
Trước đây, cuộc sống của người dân Trung Thành 1 rất khó khăn, đất ruộng ít, chủ yếu là đồi núi bao quanh, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo của thôn cao. Khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho từng hộ dân thì các gia đình mới nhận đất để trồng rừng. Tuy nhiên, những năm đầu giá trị kinh tế từ trồng rừng chưa cao nên người dân không mấy mặn mà. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân mới thay đổi đáng kể. Hơn nữa rừng trồng đến chu kỳ khai thác, cho thu nhập khá nên từ đó người dân đã chú trọng trồng rừng. Đến năm 2011 thực hiện trồng rừng theo Chương trình 147 của Chính phủ thì phong trào trồng rừng ở Trung Thành 1 phát triển mạnh mẽ. Đến nay, thôn có trên 500 ha rừng sản xuất, là nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ dân.
Ông Thôi Văn Quán - một người dân trong thôn dẫn tôi tham quan đồi keo chừng 6 năm tuổi, đang phát triển xanh tốt. Ngày nào ông cũng ngắm rừng, đó là niềm vui của ông. Ông bảo, diện tích rừng trên 2 ha này có thể khai thác được nhưng ông để thêm vài năm nữa mới bán. Tính nhanh, rừng độ 10 năm sẽ tăng thêm thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/ha mà không mất công chăm sóc nữa. Đầu năm 2022, ông vừa khai thác 2 ha, thu được 240 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 140 triệu đồng. Ông Quán cho biết, với tổng diện tích trên 25 ha rừng của gia đình, bình quân mỗi năm khai thác từ 4 - 5 ha thì thu được trên dưới 300 triệu đồng. Từ trồng rừng gia đình ông có cuộc sống khấm khá.
Với những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, thứ hai bà con đã chủ động xen canh với các loại cây ngắn ngày như gừng và sắn. Cách làm “lấy ngắn nuôi dài” này đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp đôi, bởi trong thời gian chờ cây rừng đến tuổi cho khai thác thì người dân lại có thu nhập từ cây gừng vào vụ thu hoạch, có hộ thu được 3 đến 4 tấn gừng, giá bán từ 10.000 đ đến 20.000 đ/kg đã đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Giờ đây ở Trung Thành 1, nhiều hộ có từ 10 - 25 ha, nhà ít thì 2 đến 3 ha rừng.
Theo người dân ở đây, đầu ra cho gỗ rừng trồng rất thuận lợi, vì trên địa bàn tỉnh, huyện có nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, vì vậy khai thác đến đâu người dân bán hết đến đó, các cơ sở đến tận nơi thu mua. Ông Thôi Đình Chung là một trong những người có diện tích rừng lớn nhất ở thôn với khoảng 25 ha, chủ yếu là keo. Bởi theo ông, cây keo thích hợp với thổ nhưỡng vùng này nên sinh trưởng tốt, diện tích nào đến tuổi khai thác gia đình ông thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng, khai thác xong ông lại bắt tay vào trồng mới, không để đất “nghỉ”.
Từ nhiều diện tích rừng, sản lượng gỗ lớn, anh Thôi Văn Hạnh đã đầu tư xưởng ván bóc để thu mua gỗ tại thôn và trên địa bàn xã. Anh Hạnh bảo, mở xưởng chủ yếu là làm gỗ của gia đình và phục vụ người dân trong thôn, vừa để tăng thêm thu nhập cho mình vừa giúp người dân tiêu thụ gỗ rừng trồng thuận lợi. Bởi do tuyến đường vào thôn xuống cấp, lại độc đạo nên nhiều khi người dân cũng bị tư thương ép giá.
Nhờ trồng rừng mà mấy năm trở lại đây đời sống của người Cao Lan ở Trung Thành 1 ngày càng đổi thay rõ rệt. Những ngôi nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều, gia đình nào cũng có tiện nghi sinh hoạt thiết yếu, 90 hộ nghèo năm 2015 nay đã giảm xuống còn 30 hộ. Trưởng thôn Hà Minh Tấn mong muốn tới đây sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hướng dẫn người dân phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC để nâng cao giá trị rừng trồng, giúp người dân làm giàu trên chính vườn đồi của gia đình.
Đồng chí Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Thành Long bảo, nhờ trồng rừng nhiều nhất xã, đời sống của người Cao Lan ở Trung Thành 1 đã có cuộc sống ấm no, nhiều gia đình trở thành hộ khá giàu, mua được xe ô tô tải, xe con. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân vừa bảo vệ tốt diện tích rừng trồng trước đó và thực hiện cấp chứng chỉ trồng rừng đạt tiêu chuẩn FSC để nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng thu nhập cho người dân.
Cuộc sống mới...
Đời sống của người Cao Lan ở Trung Thành 1 khá lên từ kinh tế rừng và được quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn. Tháng 7-2022, cả thôn vui mừng khi cầu Cây Quýt được xây dựng theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh trị giá hơn 2 tỷ đồng bắc qua suối được đưa vào sử dụng. Ông Âu Quang Thái, người hiến 300 m2 đất để xây dựng cầu phấn khởi bảo: “Ai ở Trung Thành cũng mong ước có cây cầu qua suối nên khi được tỉnh đầu tư, gia đình sẵn sàng hiến đất, góp sức để làm cầu. Đấy! giờ có cầu các cháu đạp xe đi học thật là thuận lợi. Chứ trước, mỗi lần mưa to như đợt này là hay lỡ học. Nhìn cây cầu đẹp, lại có chút đóng góp của gia đình cũng thấy tự hào”.
Ngoài gia đình ông Thái còn có gia đình bà Bàn Văn Thị, ông Âu Thanh Nghị, Trần Văn Đay mỗi gia đình hiến từ 200 đến 250 m2 đất để xây cầu. Đến nay, Trung Thành 1 có nhà văn hóa thôn, đường bê tông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang. Trưởng thôn Trung Thành 1 Hà Minh Tấn nhấn mạnh, đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, từ thu nhập đến hạ tầng, văn hóa... Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người dân Trung Thành 1 nói riêng và người dân cả 4 thôn Trung Thành hiện nay là được đầu tư đường DH.09 từ km27 vào thôn dài 9 km để việc giao thương hàng hóa cũng như việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn.
Đời sống vật chất được nâng lên, người Cao Lan ở Trung Thành đã bảo nhau khôi phục lại những nét đẹp văn hóa như trang phục, những làn điệu Sình ca và xây dựng nhà sàn cột bê tông... Đầu tháng 8-2022, 4 thôn Trung Thành vừa thành lập Câu lạc bộ hát Sình ca do ông Trần Xuân Lịch làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Ông Lịch phấn chấn chia sẻ, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu cũng không thể đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, đó là hồn cốt của dân tộc mình. Vì thế thôn thành lập câu lạc bộ để lưu giữ, truyền lại cho con cháu tiếng nói, điệu múa, tiếng hát của người Cao Lan để thế hệ trẻ tự hào về dân tộc mình. Ông Lịch bảo, mấy hôm trước tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Sình ca ở nhà văn hóa thôn Trung Thành 1, người Cao Lan cả 4 thôn Trung Thành tham gia, từ trẻ nhỏ đến người già đều háo hức mặc trang phục truyền thống. Điều này chứng tỏ, ai cũng muốn gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiệu quả từ kinh tế rừng và hạ tầng đang từng bước được đầu tư đã và đang là động lực để người Cao Lan ở Trung Thành 1 vươn lên xây dựng thôn bản giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/dong-luc-o-trung-thanh-162554.html