Động lực đi làm sáng thứ 2: Chờ shipper gọi xuống nhận hàng
Đôi khi, động lực để đi làm không chỉ vì tiền lương mà còn vì có shipper đang đợi.
Trước đây, dân văn phòng thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để rủ nhau đi mua sắm. Vài năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng dần thay đổi. Thay vì "tay xách nách mang" túi to, túi nhỏ ngoài cửa hiệu, giờ họ chỉ cần đặt hàng trực tuyến tại các shop hoặc trên các sàn thương mại điện tử, ắt sẽ có người mang đến tận nơi.
Cũng vì vậy mà dưới chân những tòa nhà văn phòng, không khó để bắt gặp hình ảnh các shipper đứng xếp hàng dài chờ khách xuống lấy đồ. Hay đôi khi có nhiều đơn hàng trong cùng một địa điểm, người giao hàng sẽ chọn cách ngồi một góc và bày tất tần tật món đồ cần giao ra và đợi khách.
Cứ thế qua nhiều ngày, nhiều tháng, người giao hàng và dân văn phòng vô tình trở thành những người quen, thậm chí là "bạn thân", chỉ cần ới một câu là biết ai đang gọi.
Shipper và dân văn phòng tấp nập giao - nhận hàng mỗi sáng
Vì sao địa chỉ công ty là nơi lý tưởng để nhận hàng?
Có thể thấy dân văn phòng mê mua hàng trên mạng vì hiệu ứng đám đông và sự thuận tiện trong việc đặt hàng lẫn nhận món hàng ấy.
Nếu ngày hôm đó có một đợt giảm giá, khuyến mại siêu sốc, đồng nghiệp xung quanh ai ai cũng nhộn nhịp, tranh thủ "săn sale", liệu bạn có thể ngồi ngoài cuộc vui này?
"Thời điểm mình mua đồ nhiều nhất chắc chắn là vào dịp khuyến mại rồi. Nhưng đương nhiên, mình sẽ dành thời gian nghỉ trưa để lướt xem đồ chứ không thể nào trong giờ làm việc được. Hoặc đôi khi buổi tối về nhà, mình cũng ngó nghiêng một chút và để địa chỉ giao ở công ty bởi như vậy thuận tiện nhận hàng hơn", Chi Chi - đang làm thiết kế đồ họa ở Hà Nội cho hay.
Giống với Chi, Bình Phạm - nhân viên công ty truyền thông, quảng cáo chia sẻ: "Mình thường mua đồ vào lúc đầu giờ sáng khi vừa đến công ty, giờ nghỉ trưa hoặc tối. Dân văn phòng chúng mình hầu hết làm việc qua máy tính, điện thoại nên việc mua sắm trực tuyến là thuận tiện nhất.
Hơn nữa, khi mua sắm qua các nền tảng trực tuyến còn không mất phí vận chuyển nên chúng mình cứ thoải mái lựa chọn đồ thôi. Theo kinh nghiệm của mình, địa chỉ công ty thường dễ tìm nhất, có thể giao hàng vào giờ hành chính nên cảm giác thời gian nhận hàng nhanh hơn là đặt địa chỉ ở nhà riêng".
Và cũng không loại trừ lý do, khi nhận hàng trên công ty, người thân của bạn sẽ không biết bạn đã mua sắm nhiều đến cỡ nào. So với việc nhờ người nhà nhận hàng và nhận về những câu cảm thán kiểu như “sao mua nhiều thế”, “tiền đi làm để chốt đơn hết à”… thì nhận hàng theo cách kín kẽ vẫn là thượng sách!
Nhận người giao hàng là “chú/cô ruột” vì quá thân
Hầu hết, dân văn phòng khi được hỏi đều công nhận, đôi khi động lực đi làm không phải vì tiền lương mà bởi có shipper đang đợi, có đơn hàng đang đến. Chi Chi kể: "Có đôi khi mình kiểm tra tình trạng giao hàng, biết đơn ngày mai sẽ đến thì bắt buộc mình phải lên văn phòng để nhận. Thi thoảng lắm mình mới nhờ đồng nghiệp nhận hộ thôi còn lại mình vẫn tự xuống lấy".
Trung bình một ngày, dân văn phòng sẽ nhận khoảng 1 - 2 đơn, tùy vào mức độ đặt đồ. Tuy nhiên nếu vào những ngày "săn sale", số lần xuống sảnh nhận hàng sẽ tăng lên đến 3 - 4 lần/ ngày.
"Mỗi khi đặt đồ xong mình đều háo hức, mong đến ngày nhận. Chẳng hạn hôm nào mà họ giao vào thứ bảy, không phải ngày mình đi làm, không nhận được đồ luôn mình cũng thấy hơi buồn buồn, hụt hẫng", Bình Phạm nói.
Cũng chính bởi việc thường xuyên đặt đồ và nhận ship, nhiều người còn có mối quan hệ thân thiết người nhân viên vận chuyển. Có rất nhiều câu chuyện hài hước, thú vị của dân văn phòng và shipper. Thậm chí, nhiều người còn gọi vui những người giao hàng là "chú ruột", "chị ruột” bởi đã quá quen mặt, nhớ tên.
"Mình có một chị giao hàng quen, thường ngồi dưới góc sảnh tòa nhà mình làm việc. Thân đến mức chỉ cần nhìn đuôi số điện thoại là mình biết chị ấy gọi tới để lấy đồ. Hôm nào mà không nhận được, mình sẽ nhắn chị giữ hàng hộ và hôm sau giao lại", Chi Chi chia sẻ.
Đặc biệt hơn có lẽ phải kể đến Quỳnh, cô nàng cũng thường xuyên có niềm đam mê "chốt đơn". Quỳnh cho biết: "Mình có một anh giao hàng quen hay mang đồ tới nhà. Mình có nuôi một con chó, thường những chú cún này sẽ rất hay khó chịu với người lạ. Nhưng anh giao hàng ấy đã quen thuộc đến mức chú chó nhà mình đã bắt đầu mừng rỡ, quẫy đuôi khi thấy anh ấy tới".
Còn đối với Bình Phạm, cô chia sẻ lại một kỉ niệm "dở khóc dở cười" nhưng cũng rất đáng nhớ: "Mình tên Bình, chất giọng lại khá trầm nên khi nhân viên giao hàng gọi, luôn gọi mình là anh. Đến khi xuống tới nơi mới biết mình là con gái, anh ấy rối rít xin lỗi, nhìn vừa buồn cười mà vừa dễ thương. Sau lần đó cũng quen hơn, mỗi khi lấy đồ lại trò chuyện đôi câu cũng là một cách để thư giãn".
Mặc dù mỗi ngày đều dành khoảng 5-10 phút để ra ngoài lấy đồ, nhiều dân văn phòng cũng cho rằng khá bất tiện và tốn thời gian bởi đôi khi phải đợi thang máy, trả tiền,... Tuy nhiên, họ đều khẳng định việc nhận đồ sẽ không ảnh hưởng đến công việc nếu như biết cách sắp xếp. Hơn nữa, khi đang bận, vẫn có thể nhờ shipper chờ hoặc giao lại vào hôm khác để ưu tiên công việc đang làm.
Shipper: Bỏ xe máy, trải bạt ngồi đợi khách lấy hàng cho đỡ… đau chân
Chú Đình Thanh (54 tuổi) đã làm công việc giao hàng này ngót nghét 10 năm. Trước đây khi còn trẻ, chú Thanh sẽ chạy xe giao hàng khắp nơi còn vài năm gần đây, chú thường mang theo một chiếc ghế, trải bạt và bày hàng đợi khách xuống lấy cho đỡ… đau chân.
Được phân công giao hàng theo khu vực, chú Thanh trở thành gương mặt thân quen của đa số dân văn phòng tại tòa nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chú còn được gọi với biệt danh "chú tóc bạc", chỉ cần mô tả vậy là ai cũng biết.
Theo chia sẻ, chú Đình Thanh cho biết mỗi buổi sáng sẽ bắt đầu làm việc từ 8h30 đến 11h bất kể thời tiết mưa hay nắng. "Chỉ riêng buổi sáng cũng phải có đến 100 đơn hàng, gọi không xuể khách xuống nhận. Nhưng được cái, giao ở những tòa nhà văn phòng khá tiện, mình gọi họ xuống lấy, không cần phải di chuyển nhiều. Tầm tuổi của tôi cũng chỉ ngồi một chỗ như này được thôi.
Tôi chuyên giao hàng cho tòa này cũng mấy năm nay rồi. Cứ bảo "chú tóc bạc" là dân văn phòng ở đây ai cũng biết. Nếu có nhờ người lấy hàng hộ, họ cũng miêu tả như vậy cho dễ nhận ra", chú Thanh nói.
Cũng bởi sự vui tính, nhiệt tình, mà chú Đình Thanh được rất nhiều người yêu quý. Không chỉ xuống lấy đồ, dân văn phòng thi thoảng còn nán lại trò chuyện, kể về những món đồ mà họ mua được. Làm nghề lâu năm, chú Thanh cũng cho biết có những khách hàng rất dễ thương nhưng có không ít những lần bị "bùng", lừa đảo.
Chú Thanh cho hay: "Nhiều khách quen, họ chưa xuống nhận hàng đã tự động chuyển khoản cho tôi rồi. Nhưng cũng có lần, một vị khách báo ngân hàng đang lỗi, lát sẽ chuyển sau nhưng rồi mất hút luôn. Tôi gọi bao nhiêu cuộc cũng không liên lạc được nữa. Hay cũng có những trường hợp đặt hàng rồi nhưng giao đến không nhận. Theo quy định, tôi phải giao 3 lần mới được hủy. Mà mỗi lần như vậy, tôi cũng mất thưởng, ảnh hưởng đến công việc lắm".
Cùng trải nghiệm, Đình Hẹn (22 tuổi), mới làm công việc này được 7 tháng cho biết: "Có lần mình còn bị khách mắng. Chẳng hạn như họ đang bận họp hay có điều gì đó bực mình, thấy điện thoại mình gọi điện đến để lấy đồ, họ mắng mình luôn. Ban đầu cũng ngỡ ngàng lắm nhưng lâu dần lại quen, việc mình mình làm thôi, mình cũng không thể nào nói lại họ được, vẫn nhẹ nhàng và niềm nở".
Giống như chú Thanh, Đình Hẹn công việc mỗi sáng của anh là gọi điện, bày hàng và kí giao nhận cho khách. Còn trẻ, tính cách lại cởi mở, anh chàng "được lòng" rất nhiều dân văn phòng. "Mình cũng nhớ mặt nhiều anh chị văn phòng ở đây lắm vì giao nhiều lần rồi. Đôi khi khách cũng như bạn mình, ngày gọi cả trăm số nhưng khách hàng nào quen, họ nhắn tin là mình biết liền. Ngược lại, họ cũng lưu số mình, chỉ cần alo, chưa kịp nói nội dung là họ đã đáp: "Mình xuống luôn đây". Nói chung đi giao hàng ở tòa văn phòng cũng nhiều niềm vui lắm".