Đồng lòng ở thôn Cây Nhãn

'Thôn có 4 dân tộc anh em cùng nhau chung sống, thế nhưng ở đây chúng tôi không phân biệt, chỉ đồng lòng giúp đỡ, cùng nhau vươn lên'. Đó là lời khẳng định của đồng chí Tạ Văn Quang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn). Là thôn 135 của xã với trên 70% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng Cây Nhãn giờ đây đã trở thành một vùng quê đầy sức sống với sự chuyển biến tích cực về mọi mặt.

Khơi dậy nguồn lực nhân dân

Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tứ Quận, chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông rộng trải dài dẫn vào thôn. Phó Chủ tịch Hội Nông dân bảo giờ đường đi thuận tiện hơn nhiều rồi, ngày trước đường đất, trời mưa đi lại vất vả lắm. Thôn có 4 dân tộc anh em: Dao, Kinh, Tày, Cao Lan cùng nhau chung sống, bên những nếp nhà sàn truyền thống giờ đây là những ngôi nhà xây kiên cố khang trang.

Gặp Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tạ Văn Quang, chúng tôi được biết bà con nhân dân trong thôn đã tham gia hiến hơn 13.000 m2 đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa, lớp học mầm non, lớp học tiểu học trong suốt 8 năm qua... Nhờ đó, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông mới có được như ngày hôm nay. Ông Quang nhớ lại, những ngày đầu vận động nhân dân cũng nhiều vất vả, gian nan bởi không có kinh phí đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, người dân vừa hiến đất, vừa phải tự tháo dỡ công trình. Khi ấy thuyết phục, vận động nhân dân tham gia là bài toán khó.

Người dân thôn Cây Nhãn thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn.

Để có được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, thôn đã thành lập ban chỉ đạo gồm đại diện các chi hội, đoàn thể, người có uy tín trong thôn, lấy yếu tố đoàn kết làm chủ lực trong công tác tuyên truyền. Cùng với đó phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người uy tín để tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tính dân chủ đã được phát huy hiệu quả.

“Mỗi khi triển khai công trình, phần việc, ví dụ như bê tông hóa đường vào khu sản xuất, ban chỉ đạo cùng đại diện các hộ gia đình có tuyến đường đi qua sẽ cùng nhau họp bàn, thống nhất. Bà con sẽ cử ra một đại diện giữ tiền đóng góp, ghi chép thu chi. Ban chỉ đạo chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình làm chứ không trực tiếp thu và giữ tiền của người dân” - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tạ Văn Quang chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đồng thuận của nhân dân, thôn đã hoàn thành bê tông hóa trên 5.600 m đường trục thôn, đường nội đồng, đường vào khu sản xuất; đang triển khai bê tông hóa 550 m đường bê tông nội đồng; còn lại trên 1.000 m sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Các công trình nhà văn hóa, lớp học mầm non, lớp học tiểu học được hoàn thiện đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giúp vùng quê khó khăn “thay da đổi thịt” từng ngày.

Đường vào khu sản xuất thôn Cây Nhãn được bê tông hóa.

Đồng lòng phát triển kinh tế

Nhắc đến xã Tứ Quận, không ai là không biết thương hiệu cam lòng vàng, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP cuối năm 2022. Thế nhưng ít người biết rằng, chính người dân thôn Cây Nhãn là những người đầu tiên mang cam lòng vàng về nơi đây.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Cây Nhãn Nguyễn Văn Vĩnh dẫn chúng tôi lên thăm những đồi cam xanh bạt ngàn đang bắt đầu ra quả. Anh kể, từ những năm 2000, cây cam, cây bưởi bắt đầu được đưa về trồng. Đến cuối những năm 2014, 2015, khi những cây bưởi đã già cỗi, một vài người dân đã thử nghiệm ghép cam lòng vàng trên gốc bưởi. Ngờ đâu, sống trên những bộ rễ khỏe, cây cam phát triển tươi tốt, sai trĩu quả. Nhận thấy chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã mạnh dạn nhân rộng mô hình. Đến nay cùng với cam lòng vàng, các giống mới như cam đường canh hay giống cam muộn V2 cũng đang được trồng nhân rộng trong thôn.

Toàn thôn Cây Nhãn hiện có trên 45 ha diện tích đất trồng cây ăn quả, trung bình mỗi ha cho thu từ 28 - 30 tấn sản phẩm/năm. Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình trong thôn đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá như Nguyễn Văn Vĩnh, Tạ Văn Vượng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Thi… Là một trong những hộ có diện tích trồng cam lớn, anh Tạ Văn Vượng bảo rằng, có được thành quả như ngày hôm nay đó là nhờ bà con trong thôn không ngại giúp nhau phát triển kinh tế.

Nông dân thôn Cây Nhãn chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn quả.

Những năm gần đây, thi đua phát triển kinh tế đã trở thành phong trào lớn mạnh ở thôn Cây Nhãn. Cùng với phát triển diện tích trồng cây ăn quả, bà con cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng. Với 135 ha rừng keo cùng với đàn đại gia súc trên 120 con được nuôi dưới tán rừng, nhiều hộ gia đình đã vượt khó vươn lên, trở thành hộ phát triển khá có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như gia đình ông Triệu Văn Thanh, Nguyễn Văn Nghĩa, bà Nguyễn Thị Minh… Từ đầu năm đến nay, toàn thôn xóa 10 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, giảm số hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn 1/3 số hộ trong thôn.

“Từ một thôn có xuất phát điểm thấp, đời sống bà con nhân dân khó khăn, chúng tôi đã hiểu đoàn kết chính là sức mạnh để phát triển. Các mô hình liên kết, tổ hợp tác xã đã ra đời gắn với sản xuất hàng hóa thị trường. Bà con nhân dân cũng được khuyến khích phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ triển khai các mô hình có hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong thôn có thu nhập tốt, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ” - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tạ Văn Quang chia sẻ.

Bằng sự nỗ lực của những người đứng đầu, sự đồng lòng của người dân, bộ mặt nông thôn mới ở thôn Cây Nhãn đang thay đổi từng ngày. Cây Nhãn đã trở thành miền quê đáng sống với tình làng nghĩa xóm đậm đà, văn hóa truyền thống được bảo tồn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày một nâng lên.

Thùy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/dong-long-o-thon-cay-nhan-173425.html