Đóng góp tích cực của quân dân Phú Thọ trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đã tròn 70 năm trôi qua, nhưng tiếng vang của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn vọng mãi đến ngày nay. Đó là động lực cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Từng đoàn xe thồ, đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. (Ảnh tư liệu)

Năm 1946, được quân đội Anh trong phe Đồng Minh giúp sức, Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong lần xâm lược này, quân đội Pháp vấp phải sự kháng cự quyết liệt của cả một dân tộc, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, Thực dân Pháp ngày càng bị sa lầy vào cuộc chiến tranh và liên tiếp bị thất bại. Đến năm 1953, Thực dân Pháp phải thay đổi tướng chỉ huy mặt trận, cử Tướng Na-va sang Đông Dương và đưa ra một kế hoạch mới - Kế hoạch Na-va. Với kế hoạch này, Chính phủ Pháp hy vọng sẽ tạo được “Những điều kiện quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có danh dự”. Nói cách khác, Kế hoạch Na-va nhằm thay đổi tình thế, tiến tới buộc đối phương phải chấp nhận giải pháp thực hiện theo những điều kiện do chúng đưa ra. Theo kế hoạch này, Thực dân Pháp đã cho xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” và là cái “bẫy” để nghiền nát quân đội Việt Minh. Kế hoạch Na-va thực chất còn là kế hoạch của cả Pháp và Mỹ. Vì đến thời điểm này, tiềm lực kinh tế của Pháp đã quá suy yếu, chiến tranh Đông Dương của Pháp hầu như phải phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ.

Trước tình hình chiến trường có nhiều thay đổi, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và đi đến quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, phân công Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Ngày 13/3/1954 quân ta nổ sung tấn công, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phải đối đầu với một đội quân tinh nhuệ, được trang bị những vũ khí hiện đại, với những cứ điểm kiên cố, quân ta gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, được sự chỉ huy tài giỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và ác liệt, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ đã thu được thắng lợi trọn vẹn. Chiều 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát - xtơ - ri. Cuộc đấu trí, đấu sức có ý nghĩa chiến lược ở Điện Biên Phủ đã dẫn đến kết cục thảm bại thuộc về phía Pháp. Kế hoạch Na-va của Pháp - Mỹ hoàn toàn phá sản.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Ảnh tư liệu)

Trong chiến dịch này, quân đội ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài “bất khả xâm phạm” xương sống của kế hoạch Na-va của Pháp - Mỹ. Ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, trong đó có 1 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá, 353 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến thiếu tá, 1.369 hạ sĩ quan; bắn rơi và phá hỏng 62 máy bay và thu toàn bộ vũ khí cùng kho tàng của chúng.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Sau chiến thắng này buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đối với các nước Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền làm chủ thực sự cho nhân dân”.Tham gia vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, quân dân Phú Thọ rất tự hào vì có sự đóng góp to lớn sức người, sức của tới ngày toàn thắng. Để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên khu ủy Việt Bắc đã chỉ thị cho Đảng bộ Phú Thọ vừa tham gia chiến đấu, vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ cung cấp lương thực, dân công, phương tiện cho chiến dịch theo yêu cầu và kế hoạch của Hội đồng cung cấp Liên khu giao. Chấp hành chỉ thị trên, Đảng bộ, chính quyền, UBMTTQ và các đoàn thể của tỉnh vừa tổ chức các lực lượng chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa huy động tới mức cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ đầu năm 1954, toàn tỉnh Phú Thọ đã động viên 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Trong thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra quyết liệt, Tỉnh ủy Phú Thọ đã phân công những cán bộ nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao tham gia công tác tổ chức, động viên và chỉ huy lực lượng dân công, trong đó có 17 đồng chí Huyện ủy viên, 20 cán bộ quân sự và 70 cán bộ xã. Tỉnh huy động gấp rút các lực lượng phục vụ chiến dịch với 261.500 người, trong đó có 19.333 người là dân công hỏa tuyến, 113.337 người trực tiếp tham gia phục vụ suốt thời gian chiến dịch đến ngày toàn thắng.

Trong đợt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu được cấp trên khen ngợi, như cụ Trần Văn Thiện (64 tuổi) ở xã Võ Lao (Thanh Ba) mặc dù tuổi cao, nhưng vẫn cùng con gái, con dâu tham gia phục vụ chiến dịch hoặc tấm gương ông Ma Văn Thắng, dùng xe đạp thồ vận chuyển tới 352kg mỗi chuyến ra tiền tuyến an toàn. Trong số anh chị em tham gia dân công phục vụ chiến dịch có nhiều người đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Mặc dù lương thực, thực phẩm trong nhân dân còn thiếu thốn, khó khăn, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến” nhân dân Phú Thọ đã đóng góp cho chiến dịch 4.318 tấn gạo (bằng 1/3 số gạo của cả chiến dịch), 4.149 con trâu, bò và 334 tấn thịt lợn, 141 tấn đỗ, lạc, vừng, 31 tấn đường phục vụ các đơn vị chiến đấu tại mặt trận.

Có thể nói, chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự trở thành điểm hội tụ nguồn sức mạnh của hậu phương đối với tiền tuyến. Với những đóng góp thiết thực về nhân lực, vật lực, Phú Thọ xứng đáng là hậu phương quan trọng của cuộc kháng chiến, chung tay góp sức làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

ThS. Nguyễn Tiến Khôi

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dong-gop-tich-cuc-cua-quan-dan-phu-tho-trong-chien-thang-dien-bien-phu-211233.htm