Đóng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1: Nước cờ cao hay bước đi mạo hiểm của Nga?

Sau không ít lần thông báo trái ngược, cùng sự vận hành thất thường của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1, cuối cùng Nga đã gửi đi thông điệp ngắn gọn: sẽ ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho EU chừng nào các lệnh cấm vận áp đặt đối với vận chuyển các thiết bị sửa chữa đường ống chưa được dỡ bỏ.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1 tại Đức. (Nguồn: Reuters)

Các tính toán của Nga

Ngay từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, các xung đột đã sớm lộ diện trong nhiều lĩnh vực như: quân sự, kinh tế, truyền thông, lương thực và năng lượng. Nếu như trong ba lĩnh vực đầu Nga gặp khó khăn, thậm chí có lúc còn bị phương Tây o ép, thì trong vấn đề lương thực và đặc biệt là năng lượng, Nga tạm thời có một số lợi thế. Việc quyết định đóng van vô thời hạn đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 vào thời điểm này là dựa trên một số tính toán sau:

Một là, Nga cho rằng với sự lệ thuộc rất lớn của EU vào nguồn cung năng lượng của Nga thì châu Âu khó có thể xoay chuyển kịp trong việc tìm các nguồn năng lượng thay thế chỉ trong một thời gian ngắn. Trước tháng 2/2022, nguồn cung năng lượng từ Nga chiếm tới 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt và 25% nhu cầu dầu lửa của EU. Mặc dù vậy, EU vẫn lên kế hoạch bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga từ nay đến năm 2027.

Hai là, quyết định đóng Dòng chảy phương Bắc 1 đồng nghĩa với việc Nga cắt giảm tới 89% tổng số 55 tỷ m3 khí đốt xuất khẩu hàng năm sang châu Âu trong điều kiện bình thường. Ngay lập tức, quyết định này đã đẩy giá khí đốt châu Âu tăng thêm 30% sau khi đã tăng hơn 10 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái. Ngoài chuyện đẩy chi phí sinh hoạt của người dân và gia tăng lạm phát ở khu vực đồng Euro, vốn đã ở mức cao kỷ lục là 9%, giá khí đốt tăng còn góp phần làm gia tăng nạn thất nghiệp, bất ổn xã hội và đẩy khu vực EU tiến nhanh hơn đến bờ vực suy thoái kinh tế.

Ba là, Nga hy vọng quyết định này sẽ gây chia rẽ, làm suy yếu “liên minh chống Nga” trong nội bộ EU và giữa EU với Mỹ. Dấu hiệu này đã dần lộ rõ với cuộc biểu tình khổng lồ tại Praha, Cộng hòa Czech, nơi được xem là “thủ phủ chống Nga” của EU, diễn ra hôm 4/9 với sự tham dự của trên 70.000 người nhằm phản đối giá năng lượng tăng cao và chính sách của chính phủ Czech đối với Nga.

Nga tin rằng, nếu kết hợp tốt với xung đột trên mặt trận quân sự thì Nga có thể tạo lợi thế cho mình trong cuộc đối đầu không cân sức với phương Tây. Về phía EU, dù đang gặp không ít khó khăn, cũng như sự chống đối bên trong đang có khả năng lan rộng, EU khó có thể “xuống thang” và chấp nhận yêu cầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga vì tin rằng, Nga sẽ không dừng yêu sách của mình ở đó mà tiếp tục lấn tới.

Do đó, ngoài việc tăng cường đoàn kết trên mặt trận chính trị và ngoại giao, EU cũng đang tăng khả năng “phòng thủ” của mình trong lĩnh vực năng lượng như: tăng tích trữ năng lượng, đặc biệt là khí đốt; tiết kiệm tối đa mức tiêu thụ; vận hành trở lại các nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện than; đa dạng hóa nguồn cung năng lượng từ Mỹ, các quốc gia trong và ngoài OPEC; trợ giá cho người tiêu dùng...

Liệu Nga có đi quá giới hạn?

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, ảo tưởng về quan hệ ổn định và bền vững với Nga đã khiến EU xây dựng một chiến lược an ninh cho đến nay được đánh giá là sai lầm vì phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung cấp năng lượng dồi dào, ổn định và giá rẻ từ Nga. Thậm chí không ít nhà lãnh đạo EU còn “cười khẩy” khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về nguy cơ này từ năm 2017 trước khi Mỹ ban hành lệnh cấm vận đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Tuy nhiên, đây không phải là quan hệ một chiều. Khi EU trở thành khách hàng năng lượng lớn nhất thì Nga cũng “bỏ túi” hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Đóng Dòng chảy Phương Bắc 1 là việc chẳng đặng đừng từ phía Nga, hàm chứa nhiều rủi ro nếu sai nước cờ.

Đòn “trả đũa năng lượng” từ Nga chắc chắn sẽ là giọt nước tràn ly khiến châu Âu trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc tìm kiếm chính sách năng lượng độc lập. Nếu như EU có thể vượt qua được mùa Đông đầu tiên sắp tới với nguồn cung năng lượng hạn chế từ Nga thì họ hoàn toàn có thể đẩy nhanh chính sách “thoát Nga” về năng lượng trước thời hạn 2027. Thành công từ EU còn có thể giúp đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Đối với Nga, việc “cấm vận năng lượng” với EU cũng đồng nghĩa với việc Nga sẵn sàng chịu “mất” thị trường EU cùng hàng trăm tỷ USD hàng năm trong khi chưa tìm được khách hàng mới.

Nhìn tổng thể, xung đột năng lượng không phải là đòn đơn lẻ, mà nằm trong toan tính lớn của cả hai bên. Kết cục xung đột này chắc chắn sẽ có hậu quả sâu rộng không chỉ đối với xung đột Nga - Ukraine, quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây, mà còn đối với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

TS. Hoàng Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-duong-ong-dong-chay-phuong-bac-1-nuoc-co-cao-hay-buoc-di-mao-hiem-cua-nga-197409.html