Động đất ở Đài Loan làm chao đảo ngành công nghệ toàn cầu
90% máy tính trên thế giới không thể chạy nếu không có vi xử lý sản xuất ở Đài Loan. Do vậy, nguy cơ ngành chip bị ảnh hưởng do thiên tai sẽ tác động ngành công nghệ toàn cầu.
Khi trận động đất mạnh 7,4 độ richter làm rung chuyển bờ biển phía đông Đài Loan vào ngày 3/4, mối lo ngại đầu tiên của hòn đảo này là thiệt hại người và tài sản. Nhưng có vẻ hậu quả không quá nghiêm trọng như tưởng tượng. Tính đến ngày 6/4, số người thiệt mạng là 13 người, cùng hơn 1.100 người bị thương.
Điều giúp Đài Loan chịu được trận động đất mạnh như vậy phần lớn là nhờ hòn đảo đã chuẩn cho thiên tai từ sớm, quản lý gắt gao quy tắc xây dựng sau các thảm họa trước đó và tuyên truyền cách ứng phó cho người dân.
Các tòa nhà mới xây được đánh giá là những nơi an toàn nhất. Đơn cử như Taipei 101 (Đài Bắc 101) - tòa nhà cao nhất hòn đảo và được thiết kế đặc biệt để giảm rung chấn - hầu như không di chuyển.
Không chỉ vậy, Đài Loan nói riêng và thế giới nói chung còn tránh được hậu quả tồi tệ hơn sau trận động đất, bởi ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn quan trọng nhất của hòn đảo gần như nguyên vẹn. Đây là tin tốt, nhưng đồng thời cũng là một lời nhắc nhở về mức độ mong manh của các nút thắt quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Cứ điểm sản xuất chip toàn cầu
Các nhà máy đặt tại Đài Loan chịu trách nhiệm sản xuất 80-90% chip máy tính tiên tiến nhất thế giới. Đây là những con chip mà hiện tại vẫn không có sản phẩm nào có thể thay thế.
Chỉ riêng hãng gia công TSMC đã chiếm một nửa con số đó. Đồng thời, 90% chip mà TSMC sản xuất được sản xuất tại 12 nhà máy chế tạo chất bán dẫn - hay còn gọi là "fabs" - trên đảo.
May mắn thay, tất cả nhà máy này đều nằm ở phía tây của hòn đảo, cách xa tâm chấn của trận động đất ngày 3/4. Tuy nhiên, ngay cả một rung động nhỏ cũng đủ làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất chất bán dẫn cực kỳ nhạy cảm. Vì thế, một số máy móc đã bị dừng hay thậm chí hư hỏng. Nhưng TSMC khẳng định hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường trong vòng vài giờ sau trận động đất.
Theo Vox, sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp hòn đảo này vượt qua tình thế ngặt nghèo. TSMC đã đầu tư rất nhiều vào khả năng phục hồi động đất ở các nhà máy. Công ty cho biết bộ quy chuẩn xây dựng của họ còn vượt xa các quy tắc.
Nhưng một phần lý do khiến Đài Loan có thể kiên cường trước động đất là do chính quyền nơi đây từ lâu đã có lịch sử lâu đời về động đất. Hòn đảo nằm trên Vành đai lửa - khu vực điểm nóng thường xuyên xảy ra núi lửa phun trào và động đất dài 40.000 km bao quanh Thái Bình Dương. Kết quả là Đài Loan phải hứng chịu gần 1.000 trận động đất mỗi năm. Năm ngoái, Đài Bắc còn phát hiện một ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động trong phạm vi thành phố.
Trước đó, trận động đất năm 1999 đã gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng sản xuất chip của Đài Loan. Ngành công nghiệp điện tử đã bị gián đoạn trong nhiều tuần. Nhưng khi đó, công nghệ và chip máy tính không quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu như ngày nay.
Phân tích của Credit Suisse cho thấy nếu TSMC ngừng hoạt động, dây chuyền sản xuất trên toàn nền kinh tế toàn cầu sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Không phải nút thắt duy nhất
Nhưng Đài Loan không phải là nút thắt quan trọng duy nhất trong ngành sản xuất công nghệ nhưng được đặt tại một khu vực rủi ro trên thế giới.
Hàn Quốc có lẽ là điểm quan trọng chỉ sau Đài Loan khi chế tạo chất bán dẫn. Các nhà máy tại Hàn Quốc chiếm 60% thị phần chip nhớ dùng trong PC và smartphone, đồng thời là quê hương của gã khổng lồ công nghệ Samsung. Hàn Quốc còn tiếp giáp với Bắc Triều Tiên với căng thẳng quân sự dai dẳng và còn có tiềm ẩn nguy cơ gặp bão và lũ lụt.
Còn Nhật Bản, quốc gia này không còn là kẻ thống trị thị trường như những năm 1980. Nhưng chính phủ Nhật đã chi hàng tỷ USD để đưa sản xuất chất bán dẫn trở lại đất nước và hiện chiếm khoảng 10% thị trường toàn cầu.
Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên Trái Đất, từ động đất, núi lửa, đến sóng thần và bão. Nếu một cuộc chiến tranh với Triều Tiên hoặc với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan xảy ra, Nhật Bản chắc chắn sẽ ở tiền tuyến.
Với Mỹ, họ từ lâu đã mất vị thế trong bản đồ trung tâm bán dẫn toàn cầu, trong một khoảng thời gian khá dài. Nhưng điều đáng nói là đầu não của công nghệ thế giới - Vùng Vịnh và Thung lũng Silicon - nằm trên một số đường đứt gãy chính, trong đó có cả cả Đứt gãy San Andreas. Một trận động đất lớn xảy ra ở khu vực này chỉ là vấn đề một sớm một chiều.
Câu hỏi đặt ra là mọi chuyện có tốt hơn nếu hoạt động sản xuất công nghệ tập trung ở một nơi an toàn hơn như Syracuse, New York - thành phố an toàn nhất ở Mỹ - hay không? Chắc chắn câu trả lời là có. Nhưng trên thực tế, điều đó rất khó xảy ra.
Chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ toàn cầu vốn dĩ rất mong manh. Các hãng công nghệ chỉ có thể hy vọng những nút thắt quan trọng sẽ thực hiện mọi bước để chuẩn bị ứng phó rủi ro xấu nhất. Ít nhất là khi nói đến động đất, Đài Loan đã làm được điều đó.