Trung Quốc ra mắt mô hình tên lửa tái sử dụng 'na ná' của SpaceX

Mô hình tên lửa Trường Chinh 9 mới đây đã được hé lộ tại Triển lãm hàng không Châu Hải ở tỉnh Quảng Đông.

Video giới thiệu mô hình tên lửa Trường Chinh 9. (Video: CCTV)

Mô hình Trường Chinh 9 tại triển lãm có vẻ ngoài khá giống với tàu Starship của SpaceX, và được thiết kế nhằm chinh phục những mục tiêu không gian mới của đất nước tỷ dân.

Một video minh họa về concept Trường Chinh 9 cho thấy nó mở các vây lưới và thực hiện quá trình đốt cháy động cơ nhằm tái nhập khí quyển. Sau khi tái nhập, nó sẽ nhắm vào một bệ hạ cánh ngoài khơi. Đáng chú ý, không có sự xuất hiện của cấu trúc bắt nào giống như Mechazilla của Starship.

SpaceX đã trình diễn lần đầu tiên bắt giữ tên lửa đẩy Super Heavy vào tháng trước, khi các cánh tay máy Mechazilla trên bệ phóng tên lửa tiến hành kẹp giữ tầng đẩy hạ cánh về đúng vị trí xuất phát.

Tên lửa Starship của SpaceX. (Ành: SpaceX)

Tên lửa Starship của SpaceX. (Ành: SpaceX)

Tên lửa đẩy hạng nặng có sức chứa 100 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái đất và 50 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp Mặt trăng, có thể đáp ứng nhu cầu phóng của nhiều sứ mệnh không gian khác nhau, từ quỹ đạo thấp đến thám hiểm không gian sâu”, Chen Ziyu, một nhà thiết kế tại Học viện Công nghệ Tên lửa đẩy Trung Quốc (CALT) thuộc Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Chen giải thích rằng Trường Chinh 9 sẽ được triển khai theo hai giai đoạn: đầu tiên là mô hình tên lửa đẩy hạng nặng để tăng khả năng tiếp cận không gian, sau đó là cấu hình hai tầng, có thể tái sử dụng hoàn toàn để giảm chi phí và tăng tần suất phóng.

Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là có cấu hình hai tầng, có thể tái sử dụng hoàn toàn. Và các cấu hình khác nhau có thể được điều chỉnh theo nhu cầu phóng của các sứ mệnh lên các quỹ đạo khác nhau”, Chen nhấn mạnh.

Trung Quốc đã nghiên cứu tên lửa đẩy siêu hạng nặng trong nhiều năm, nhưng thiết kế đã thay đổi không ít lần. Theo các bài thuyết trình của CALT, thiết kế và mô hình cho tên lửa Trưởng Chinh 9 của CALT đã chín muồi, từ một tên lửa đường kính 10 mét chạy bằng dầu hỏa có thể tiêu hao với 4 tên lửa đẩy bên có đường kính 5 mét, thành nhiều thiết kế chạy bằng dầu hỏa và mê-tan khác nhau để có thể tái sử dụng.

Tên lửa siêu nặng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) theo kế hoạch của Trung Quốc vào những năm 2030. Nó cũng sẽ có vai trò quan trọng cho các dự án tiềm năng như trạm năng lượng mặt trời trên quỹ đạo địa tĩnh. Một tên lửa có thể tái sử dụng sẽ cắt giảm đáng kể chi phí và tăng khả năng phóng nhiều lần.

Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng ít nhất hai "chòm sao" trên quỹ đạo Trái đất thấp, mỗi chòm sao có khoảng 13.000 vệ tinh. Một tên lửa Trường Chinh 9 có thể tái sử dụng hoàn toàn, với khả năng tải trọng cao cũng sẽ có lợi cho việc triển khai các vệ tinh này, giống như SpaceX có kế hoạch sử dụng Starship để đưa các vệ tinh Starlink vào quỹ đạo.

Thạch Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-ra-mat-mo-hinh-ten-lua-tai-su-dung-na-na-cua-spacex-ar907607.html