Đóng cửa một thương hiệu vẫn là quá trình kinh doanh

Ngày nay, đóng cửa một thương hiệu không phải là thất bại nặng nề, xấu hổ. Nếu thương hiệu đó không còn phù hợp, không còn đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thì việc đóng cửa là bình thường.

Trong tháng 11 này, những tín đồ thời trang và tín đồ cà phê, nhất là ở Sài Gòn và Hà Nội khá ngỡ ngàng khi hai CEO của một thương hiệu thời trang và một thương hiệu cà phê có tiếng thông báo sẽ đóng cửa. Thế nhưng, đóng cửa có phải để chấm hết hay sẽ mở ra cơ hội mới?

Người tiêu dùng tiếc nuối

Tối 14/11, Nguyễn Ngọc Trâm - sáng lập viên và là CEO của Lep’ - một thương hiệu thời trang gắn liền với nhiều cô gái đã đăng tải tâm thư nhìn lại hành trình 8 năm hình thành và phát triển của hãng thời trang Lep’. Đáng chú ý, nữ CEO cũng thông báo rằng hãng sẽ đóng cửa hệ thống vào ngày 30/11/2024.

“Hành trình nào rồi cũng tới lúc phải kết thúc, giống như cuộc vui nào cũng tàn, giấc mộng nào cũng tan. Một ngày mùa thu năm 2024, em nghĩ, đã tới lúc đặt dấu chấm hết, một lời tạm biệt hành trình 8 năm của Lep’. Lep’ giống như một giấc mộng của cô gái 24 tuổi ngày đó, đầy mộng mơ, trong sáng, nhiều nhiệt huyết và đam mê” - CEO Nguyễn Ngọc Trâm viết.

Về nguyên nhân dừng lại giấc mộng thanh xuân, Nguyễn Ngọc Trâm bộc bạch rằng bản thân đã không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt hằng ngày với muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp.

Gia đình cũng là một trong những lý do khiến Nguyễn Ngọc Trâm quyết định dừng chân sau 8 năm khởi nghiệp.

Theo Trâm: “Quãng thời gian có những giai đoạn quản lý tới 200 - 300 con người khiến cho em từ một cô gái mộng mơ dễ thương trở thành một phụ nữ cau có và cạn kiệt năng lượng. Dừng Lep’ cũng là một cơ hội cho em nghỉ ngơi, để tìm lại bản thân mình, bắt đầu những hành trình mới, dù đó chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng”.

Thông báo đóng cửa của thương hiệu Lep’

Thông báo đóng cửa của thương hiệu Lep’

Cùng với thông báo đóng cửa, Trâm cũng cho biết đến hết ngày 30/11, tới thương hiệu Lep’ sẽ có chương trình bán đồng giá tại các cửa hàng, sàn thương mại điện tử, do đó khách hàng nên dùng hết điểm tích lũy trong tháng 11 này.

Cũng ngay sau đó, vào ngày 15/11, thương hiệu này thông báo sẽ ra mắt sớm bộ sưu tập áo dài Tết 2025 thay vì 18/11 như dự định. Bộ sưu tập áo dài Tết với số lượng có hạn, được bán nguyên giá nhanh chóng đã tạo ra hiệu ứng viral, thu hút rất nhiều khách hàng đến cửa hàng để mua sắm.

Và rất nhanh chóng, không ít những sản phẩm của Lep’ đã hết hàng ngay trong vài ngày đầu tiên, như chính thông tin từ đơn vị này.

Không lâu sau đó, ngày 18/11, chuyên gia khởi nghiệp Trần Thanh Tùng công bố đóng quán cà phê Monkey in Black (MiB) cuối cùng tại TP.HCM. Thông tin này khiến các tín đồ cà phê và giới kinh doanh F&B xôn xao bởi Trần Thanh Tùng không chỉ là chuyên gia về khởi nghiệp chung mà còn là chuyên gia cả trong mảng cà phê.

Việc đóng cửa quán cà phê Monkey in Black cuối cùng tại TP.HCM, theo Trần Thanh Tùng là “khép lại hành trình 10 năm “nghĩ điên làm chất”, với rất chiều chiến dịch viral và là không gian những bạn trẻ khởi nghiệp, những thanh xuân sáng tạo nhiệt huyết”.

Lý do đóng quán được Trần Thanh Tùng lý giải do không tìm được đồng đội để vực dậy quán. Sở dĩ vậy bởi mô hình hiện tại của Monkey in Black (Incubator) chưa phù hợp với thị trường, chưa tìm được người đồng sáng lập vận hàng tốt, sản phẩm, chăm sóc khách hàng, decor....

Một lý do nữa Tùng đưa ra là địa điểm không còn phù hợp với thị trường.

Và lý do cuối cùng, ông Tùng viết: “Duy trì cũng được - có quán để lui tới uống cà phê theo gu - dù mình không còn khả năng nguồn lực lẫn thời gian điều hành nhưng có thứ thỏa mãn cái tôi cũng vui. Những lỗi hay gặp của một người chủ khi quá chiều chuộng cái tôi, không dám thoát li môi trường cũ, người chủ đó chính là tui. Việc ép mô hình kinh doanh vào một môi trường cũ, không cho nó phát triển theo hướng của nó là vô cùng vô lí, nhỉ?”.

Viết tiếp ước mơ

Đoạn cuối bức thư chia tay người tiêu dùng, Nguyễn Ngọc Trâm viết: “Xin chúc những chị em của Lep’ luôn xinh đẹp, yêu đời, yêu thương và được yêu thương thật nhiều. Hành trình sáng tạo của em Trâm sẽ không bao giờ dừng lại, có thể một ngày nào đó mình gặp lại nhau ở đâu đó thật bất ngờ…”.

Còn ông Trần Thanh Tùng gửi gắm: “Vì vậy sắp tới, mọi người sẽ nhìn thấy những “đứa con” của Tùng sẽ có mặt ở khắp nơi, nhưng không còn ở chung với MiB được nữa. Tùng tin, cánh cửa đóng lại thì có những cánh cửa khác mở ra, MiB, Yêu là đủ, đã là những cột mốc tuyệt vời trong hành trình khởi nghiệp của Tùng. Nên Tùng cùng các bạn hãy chờ đợi, một ngày những khởi nghiệp này sẽ khải hoàn khi có nguồn lực, hệ sinh thái phù hợp, và trong một hình hài mới mẻ hơn, chẳng hạn”.

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng, việc các thương hiệu tên tuổi, gắn bó với người tiêu dùng như Lep’ hay Monkey in Black đóng cửa có thể do kinh doanh kém hiệu quả hoặc có thể vẫn hiệu quả về mặt tài chính nhưng người chủ hết nhiệt huyết, cảm thấy tiềm năng thị trường không còn nữa, muốn dừng lại, hoặc người chủ muốn thử sức ở một dự án khác hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc ra thông báo rộng rãi, thậm chí làm truyền thông khá bài bản khi đóng cửa một thương hiệu đình đám, chứ không đóng cửa âm thầm như khá nhiều thương hiệu trước đây, mục tiêu của thương hiệu đó là thông báo tri ân đến những khách hàng trung thành, thông báo đến đối tác. Đây là hành động văn minh. Mục tiêu thứ hai có thể là nhằm đẩy hàng tồn, thu lại doanh số cho đợt cuối. Mục tiêu này có thể thấy ở đợt bán hàng giảm giá cuối cùng của Lep’.

Đóng cửa một thương hiệu để mở ra một hành trình mới, hiệu quả hơn, thực ra cũng là điều nên làm.

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng

Mục tiêu thứ ba, việc thông báo rộng rãi đóng cửa một thương hiệu có thể là lời giới thiệu về những dự án mới và hướng đi mới của brand hoặc của chủ thương hiệu.

“Trước đây, việc đóng cửa một thương hiệu có thể mang đến cảm giác thất bại nặng nề, cảm giác xấu hổ, thì hiện nay, theo tôi, mặc dù buồn nhưng ở góc độ khác, nếu thương hiệu đó không còn phù hợp, không còn đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, của thị trường thì việc đóng cửa là bình thường. Đóng cửa một thương hiệu nên được xem là một phần - ở thời điểm nào đó, không thể không là một quá trình kinh doanh”- Hoàng Tùng chia sẻ.

Yến Hạ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/dong-cua-mot-thuong-hieu-van-la-qua-trinh-kinh-doanh-314776.html