Đồng bộ hóa chiến lược đầu tư hạ tầng, nhân lực để Logistics phát triển bền vững
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo 'Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng
Hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề cốt lõi để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bao gồm: chuyển đổi số, logistics xanh, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, phát triển kho thông minh, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain vào tối ưu chuỗi cung ứng. Đây là sự kiện chuyên ngành quan trọng, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách và kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp – tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh: “Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chúng ta cần đồng bộ hóa chiến lược – từ đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực đến ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện hành lang pháp lý”.
Nhà báo Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12–15% GDP, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15–20% mỗi năm. Đồng thời, logistics sẽ được tích hợp trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, với 30% phương tiện chuyển sang năng lượng sạch và 80% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển logistics xanh và bền vững cũng đang trở thành một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu chú trọng bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần hướng đến việc sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, tối ưu hóa vận tải, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Về phía Nhà nước, cần sớm có chính sách hỗ trợ cụ thể như ưu đãi thuế, hỗ trợ đầu tư xanh, và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về logistics bền vững.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cần được xem là động lực cốt lõi cho đổi mới và phát triển. Việc triển khai các hệ thống quản lý hiện đại, nền tảng số quốc gia về logistics, và cơ sở dữ liệu kết nối trong chuỗi cung ứng sẽ tạo nền tảng cho một hệ sinh thái logistics thông minh, minh bạch và hiệu quả...