Đồng bào Công giáo phát triển kinh tế, phát huy tinh thần bác ái

Với phương châm sống 'tốt đời, đẹp đạo', thời gian qua, đồng bào Công giáo ở Thái Nguyên luôn đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo. Đặc biệt trong phong trào phát triển kinh tế, nhiều tấm gương điển hình đã xuất hiện với cách làm hay, sáng tạo, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Thái Nguyên là tỉnh có đông đồng bào theo đạo Công giáo, với trên 30.000 giáo dân, sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở 9 huyện, thành phố. Nhiều năm qua, bà con giáo dân luôn phát huy tinh thần đoàn kết lương giáo, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Thi đua phát triển kinh tế

Bắt tay lập nghiệp với số vốn ít ỏi, sau hơn 10 năm nỗ lực, anh Giuse Nguyễn Văn Trọng ở phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên đã gây dựng thành công cho mình một cơ sở sản xuất cơ khí, nội thất mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 600 triệu/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương bình quân từ 8 đến 15 triệu đồng/ tháng.

Anh Giuse Nguyễn Văn Trọng chia sẻ: "Mình luôn học hỏi kinh nghiệm từ anh em cùng nghề, tìm hiểu trên mạng, kết hợp với một số anh em cùng nhau phát triển".

Đồng bào Công giáo ở Thái Nguyên luôn tích cực thi đua lao động sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo.

Ông Dương Văn Minh, Bí thư Chi bộ tổ 6, phường Túc Duyên. TP Thái Nguyên thông tin: "Đối với giáo dân ở đây luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có khả năng phát triển kinh tế, có trách nhiệm đóng góp lớn đối với khu dân cư".

Với mô hình chăn nuôi hộ gia đình, ông Đaminh Nguyễn Văn Kiên, tổ 10, phường Túc Duyên là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế cũng như tham gia tích cực vào các phong trào lao động sản xuất, xây dựng địa phương. Không chỉ cho nguồn thu nhập ổn định, đây còn là mô hình được nhiều đồng bào Công giáo tại địa phương học tập.

Ông Đaminh Nguyễn Văn Kiên, tổ 10, phường Túc Duyên cho biết: "Luôn khuyến khích ai có nhu cầu làm mô hình này chúng tôi đều hướng dẫn, nơi ăn chốn ở, chuồng trại, tùy theo địa bàn, mặt bằng... để cùng nhau phát triển kinh tế".

Ông Nguyễn Thế Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho biết: "Đảng ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Nhân dân luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống ngày càng được cải thiện, nâng lên".

Không chỉ làm giàu, phát triển kinh tế cho gia đình mình, việc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế của đồng bào Công giáo nói riêng và cộng đồng dân cư ở địa phương nói chung đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa, từ đó thêm khẳng định vị trí, vai trò của đồng bào công giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Tín đồ Công giáo xây dựng mô hình HTX

Với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng bào Công giáo đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình HTX, từ đó góp phần xây dựng nếp sống “tốt đời, đẹp đạo” và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh ở xóm Náng chia sẻ, trong xóm, bà con công giáo chiếm tới 90%. Nhiều năm nay, bà con Công giáo nơi đây phát triển kinh tế ổn định và cuộc sống khấm khá nhờ nghề trồng rau.

Chị Hiệp cho biết, tiền thân của HTX Bình Minh là tổ hợp tác trồng rau trước đây. Năm 2020, nhận thấy việc trồng rau mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nên chị quyết định thành lập HTX Bình Minh để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau của địa phương.

Hiện HTX đang có tất cả 65 thành viên tham gia sản xuất rau, dưa an toàn với tổng diện tích đất canh tác khoảng 10ha. Cộng thêm diện tích liên kết với các hộ xung quanh khoảng 40 - 50ha.

Tín đồ Công giáo đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình HTX.

Hiện nay, ngoài việc giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, chị Hiệp còn hướng dẫn bà con từ kỹ thuật đến quy trình sản xuất để đảm bảo rau đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng và an toàn.

Có những thời điểm, HTX phải đứng lên hỗ trợ người dân kinh phí về giống để họ có động lực sản xuất. Từ niềm tin tạo dựng được, bà con trong vùng luôn ủng hộ và tin tưởng làm theo.

Hiện nay, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm rau VietGAP và đưa ra thị trường. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con Công giáo có việc làm ổn định và nâng cao nhận thức cho bà con về tầm quan trọng của sản phẩm rau sạch trên thị trường.

Hay như tại HTX chè Minh Thu ở xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên hiện có 30 hộ thành viên đều là người Công giáo. Hiện nay diện tích chè của HTX là 4,6 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi tháng thu trên 1 tấn chè búp khô, với doanh thu 300-400 triệu đồng/tháng, thu nhập trung bình 5 triệu đồng/1 hội viên/tháng.

Sản phẩm sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, thậm chí có thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu. Để có được những thành công đó, bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tuân thủ quy định của pháp luật, nỗ lực phát triển kinh tế.”

Đây chỉ là 2 trong nhiều tấm gương tập thể cá nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế trong đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng ban hành giáo đã thường xuyên tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và động viên các tín đồ Công giáo phát triển kinh tế.

Tích cực thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Cùng với sinh hoạt giáo lý, củng cố đức tin, bà con Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn đông bà con Công giáo sinh sống có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Ngọc Lâm; mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Làng Phan (Linh Sơn, TP. Thái Nguyên)… Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động.

Cùng với việc giữ gìn nếp sống tốt đẹp của người theo đạo, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, nhân đạo, như: Ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ; Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh xây dựng “Quỹ tấm lòng Bác ái”, hằng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam; tặng nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết; xây dựng công trình dân sinh tại vùng khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, trong phát triển kinh tế, nhiều đồng bào Công giáo đã trở thành những doanh nhân, nhà sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách hằng năm của tỉnh.

“Cùng với đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Công giáo, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, giúp đồng bào Công giáo có điều kiện phát triển về mọi mặt, thay đổi nhận thức, tư duy kinh tế, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Minh Thành

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-cong-giao-phat-trien-kinh-te-phat-huy-tinh-than-bac-ai-1094809.html