Đón Tết sớm giữa biển trời Tổ quốc
Tết sớm ở Trường Sa của tác giả Lê Thành Văn là một tác phẩm mang đậm hơi thở biển đảo, vừa ấm áp, chân tình lại vừa kiên cường và đầy xúc động.
Tết sớm ở Trường Sa
Có cần chi đúng tháng đúng ngày
Tàu cập bến đảo xa là chúng tôi vui Tết
Nụ cười tươi và những cái bắt tay thật chặt
Phút đất liền hội ngộ với Trường Sa
Tết sớm được bày ra
Có bánh chưng xanh gói lá bàng vuông khoe sắc
Dù gió thổi căng trời thông thốc
Tiếng ghi-ta vẫn vỗ khúc rộn ràng
Chúng tôi bày nhiều trò chơi dễ thương
Bịt mắt bắt dê, kéo co, đá bóng...
Nhưng tất cả đều sẵn sàng tay súng
Bởi mỗi tấc đất biên cương đều máu thịt nước non mình
Tết sớm Trường Sa chung vui với đất liền
Mai tàu lại nhổ neo, sóng vỗ bờ thương nhớ
Bao tâm tình trong mênh mang lắng đợi
Một mùa xuân xao xuyến lại quay về
Nên Tết sớm ở Trường Sa
Nỗi nhớ mãi đong đầy...!
LÊ THÀNH VĂN
Lê Thành Văn là tác giả của nhiều bài thơ mang đậm chất sử thi về quê hương, Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, anh sáng tác nhiều bài thơ về tình yêu biển đảo, qua đó khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Tết sớm ở Trường Sa của tác giả Lê Thành Văn là một tác phẩm mang đậm hơi thở biển đảo, vừa ấm áp, chân tình lại vừa kiên cường và đầy xúc động. Với hình ảnh và ngôn từ mộc mạc, tác giả đã dựng lên một bức tranh về ngày Tết đặc biệt nơi đầu sóng ngọn gió. Không cần phô diễn những câu chữ cầu kỳ, bài thơ đã tạo nên sức hấp dẫn từ chính sự giản dị, sự chân thành và tình yêu Tổ quốc cháy bỏng của những người lính.
Mở đầu bài thơ là khung cảnh Tết sớm - Tết không đợi ngày tháng cụ thể. Đó là cái Tết của niềm vui và sự hội ngộ của những con người mang dòng máu Lạc Hồng giữa biển trời thăm thẳm:
Có cần chi đúng tháng đúng ngày
Tàu cập bến đảo xa là chúng tôi vui Tết
Nụ cười tươi và những cái bắt tay thật chặt
Phút đất liền hội ngộ với Trường Sa
Giản dị qua ngôn từ và bộc bạch trực tiếp cảm xúc, tác giả đã làm nổi bật sự đặc biệt của Tết ở Trường Sa. Ở nơi đảo xa, thời gian và không gian như không còn là giới hạn. Tết không còn nằm trong quy ước về thời gian hay ngày tháng cụ thể mà được định nghĩa bởi những giây phút đoàn tụ, khi những con tàu từ đất liền cập bến.
Chỉ cần có người từ đất liền tới, mang theo tình cảm, sự quan tâm của đồng bào là đã đủ làm nên ngày Tết. Khung cảnh hội ngộ ấy được thể hiện qua “nụ cười tươi” và “những cái bắt tay thật chặt” - những hình ảnh giản dị nhưng ấm áp, thể hiện niềm vui, tình yêu thương lan tỏa. Đây là cách tác giả khẳng định: Tết là tình người, là cảm xúc của những người cùng chung tình yêu đất nước, là sự kết nối giữa đất liền với đảo xa.
Độc đáo và thú vị mang tính phát hiện, Lê Thành Văn đã dựng lên một không gian Tết sớm giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhưng tinh thần sáng tạo và lạc quan thì không nơi nào sánh kịp. Những người lính Trường Sa hiện lên thật đẹp và lãng mạn qua cách bày biện các thức quà Tết tự làm từ sản phẩm đất liền và biển đảo:
Tết sớm được bày ra
Có bánh chưng xanh gói lá bàng vuông khoe sắc
Dù gió thổi căng trời thông thốc
Tiếng ghi-ta vẫn vỗ khúc rộn ràng.
Hình ảnh bánh chưng xanh gói bằng lá bàng vuông - một loại lá chỉ có ở Trường Sa - gợi lên vẻ đẹp của sự sáng tạo, thích ứng và tinh thần lạc quan của những người lính. Người lính đã mang cái hồn của Tết quê hương ra tận đảo xa, tự mình tạo nên cái Tết từ những gì sẵn có, từ những gì thiên nhiên ban tặng. Hình ảnh này không chỉ là minh chứng cho sự khéo léo, mà còn là biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước, của ý chí vượt qua mọi khó khăn để duy trì phong tục dân tộc.
Mặc cho gió biển thổi mạnh “căng trời thông thốc,” tiếng đàn ghi-ta vẫn vang lên vui tươi, rộn ràng. Tiếng đàn giữa biển khơi như một lời khẳng định về tinh thần kiên cường, lạc quan và tràn đầy hy vọng của những người lính. Họ dùng âm nhạc để xua tan cái lạnh lẽo, để làm ấm lòng trong những ngày Tết xa quê.
Như một nghệ sĩ điện ảnh có kỹ thuật quay cận cảnh, nhà thơ Lê Thành Văn phác họa thêm các trò chơi dân gian của người lính thật sống động và vui nhộn. Vui chơi nhưng gắn với tinh thần trách nhiệm, đó chính là niềm vui song hành cùng tinh thần cảnh giác trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc:
Chúng tôi bày nhiều trò chơi dễ thương
Bịt mắt bắt dê, kéo co, đá bóng...
Nhưng tất cả đều sẵn sàng tay súng
Bởi mỗi tấc đất biên cương đều máu thịt nước non mình
Những trò chơi dân dã như bịt mắt bắt dê, kéo co, đá bóng khiến ta liên tưởng đến không khí làng quê, đến những kỷ niệm tuổi thơ bình yên. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính đảo cũng tìm cách để vui chơi, để sống trọn vẹn từng phút giây. Nhưng cái đáng quý là họ không bao giờ quên trách nhiệm của mình. Ngay trong lúc vui chơi, “tất cả đều sẵn sàng tay súng,” sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất biên cương. Tác giả nhấn mạnh “mỗi tấc đất biên cương đều máu thịt nước non mình”, khẳng định ý thức về sự thiêng liêng của từng phần đất nước, từng con sóng nơi đây.
Những người lính ở Trường Sa không chỉ sống cho mình mà còn sống vì trách nhiệm với Tổ quốc, vì lòng yêu nước sâu sắc.
Và đây là nỗi nhớ và tình cảm sâu sắc với đất liền của người lính biển. Mượn hình tượng con sóng vỗ bờ thương nhớ, tác giả gợi ra biết bao tình cảm xốn xang, lắng đợi mênh mang những chuyến tàu lại hướng về phía đảo, nơi ấy vẫn còn biết bao mùa xuân phía trước:
Tết sớm Trường Sa chung vui với đất liền
Mai tàu lại nhổ neo, sóng vỗ bờ thương nhớ
Bao tâm tình trong mênh mang lắng đợi
Một mùa xuân xao xuyến lại quay về
Dù đón Tết ở đảo xa, lòng các chiến sĩ vẫn luôn hướng về đất liền, nơi có người thân, có đồng bào đang mong ngóng. Từ “sóng vỗ bờ thương nhớ” gợi lên nỗi nhớ da diết, sâu sắc, vừa gần gũi vừa xa xôi. Mỗi chuyến tàu nhổ neo là mỗi lần các chiến sĩ phải chia xa với đồng đội từ đất liền, mang theo những kỷ niệm, tình cảm chưa kịp nói hết. Họ sống giữa mênh mông sóng biển nhưng lòng vẫn luôn “lắng đợi” mùa xuân đoàn tụ. Khát vọng về một mùa xuân trọn vẹn, đủ đầy là động lực để họ vượt qua gian khó, giữ gìn biên cương.
Kết thúc bài thơ là nỗi nhớ đong đầy và tình yêu đất nước mãnh liệt:
Nên Tết sớm ở Trường Sa
Nỗi nhớ mãi đong đầy...!
Hai dòng kết của bài thơ là một cái kết lắng đọng và sâu sắc. Tết sớm ở Trường Sa không chỉ là ngày lễ, mà là biểu tượng của nỗi nhớ thương đất liền và tình cảm dạt dào của những người lính đảo. “Nỗi nhớ mãi đong đầy” không chỉ là nỗi nhớ về Tết, mà còn là nỗi nhớ về quê hương, về gia đình, là niềm tự hào khi được góp phần bảo vệ Tổ quốc. Đây là nỗi nhớ không bao giờ nguôi, luôn thường trực trong tim các chiến sĩ - những con người can trường, kiên cường đứng giữa biển khơi vì sự bình yên của cả dân tộc.
Bài thơ Tết sớm ở Trường Sa được viết bằng thể thơ tự do, ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi nhưng đầy cảm xúc và có chiều sâu tư tưởng. Tác giả Lê Thành Văn đã sử dụng những hình ảnh giản dị như “bánh chưng xanh gói lá bàng vuông,” “tiếng ghi-ta”, “những cái bắt tay thật chặt” để tạo nên sức mạnh của sự chân thật, đồng thời khéo léo dùng các phép đối lập: niềm vui - trách nhiệm, đất liền - đảo xa, thiên nhiên khắc nghiệt - tinh thần lạc quan, tạo nên sự sinh động cho bài thơ. Hơn nữa, tác giả còn sử dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng cao như “tay súng”, “máu thịt nước non mình” để nhấn mạnh lòng yêu nước và tinh thần cảnh giác của những người lính. Phép ẩn dụ “sóng vỗ bờ thương nhớ” cùng với điệp từ “đong đầy” trong câu kết đã mang đến cảm xúc lắng đọng, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Bài thơ không chỉ là bức tranh về Tết ở nơi đảo xa mà còn là bài ca về tình yêu Tổ quốc, về lòng trung thành và trách nhiệm thiêng liêng của người lính đối với non sông đất nước.
Tết sớm ở Trường Sa là lời tri ân gửi tới những con người thầm lặng nhưng mạnh mẽ, kiên cường, là những “tấm chắn sống” bảo vệ biên cương. Tác phẩm như một lời nhắc nhở rằng dù xa cách về không gian nhưng tình yêu quê hương vẫn luôn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa đất liền và đảo xa.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/don-tet-som-giua-bien-troi-to-quoc-401112.html