'Dọn rác vũ trụ' trở thành ngành kinh doanh mới

Công ty khởi nghiệp ClearSpace của Thụy Sĩ sẽ cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu thực hiện sứ mệnh giải quyết rác thải vũ trụ, mở ra thị trường 'kinh doanh' mới ngoài không gian.

Ảnh minh họa

Ngày 1/12, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã ký kết với Công ty ClearSpace của Thụy Sĩ một hợp đồng dịch vụ trị giá 100 triệu euro nhằm thu dọn mảnh vỡ không gian.

Theo tạp chí Science et Avenir (Pháp), đây là thương vụ đầu tiên trên thế giới liên quan đến công việc dọn rác trên quỹ đạo tầm thấp.

ClearSpace là công ty có nguồn gốc từ Đại học Bách khoa liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne. Công ty này hoạt động với vốn góp của khoảng 20 công ty từ 8 quốc gia thành viên ESA gồm Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, Đức, Anh, Ba Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Romania.

Theo hợp đồng, năm 2025, ClearSpace sẽ đưa vệ tinh dọn rác ClearSpace-1 nặng 500 kg lên không gian để thu hồi một mảnh vỡ là tầng trên tên lửa Vega của ESA được phóng đi từ năm 2013.

Mảnh vỡ lớn như chiếc máy giặt, nặng 112 kg, bay trên quỹ đạo thấp cách Trái đất 800 km. Vệ tinh dọn rác sẽ quan sát mảnh vỡ để xác định tốc độ, sau đó đưa 4 cánh tay máy chộp lấy và dìu mảnh vỡ ra khỏi quỹ đạo. Cuối cùng, vệ tinh và mảnh vỡ cùng phân rã trong khí quyển.

Trong gần 60 năm hoạt động không gian với hơn 5.500 lượt phóng, hiện có khoảng 42.000 vật thể lớn hơn 10 cm quay quanh Trái đất tạo thành đám mây chất thải.

Cuối năm ngoái, ESA đã lần đầu công bố kế hoạch xây dựng thiết bị giải quyết vấn nạn rác vũ trụ. Kinh phí cho dự án lên đến 100 triệu bảng Anh. Và đến ngày 1/12 vừa qua, ESA đã tổ chức cuộc họp trình bày chi tiết các bước tiếp theo để đưa thiết bị vào không gian với sự hợp tác của ClearSpace.

Rác vũ trụ là những vật thể nhân tạo không còn sử dụng tồn tại ngoài vũ trụ, bao gồm những thiết bị được phóng lên hoặc bỏ lại, ví dụ như tên lửa đẩy, các vệ tinh không còn hoạt động, thậm chí là những vật dụng cá nhân mà phi hành gia vô tình đánh mất như găng tay, máy quay hay xẻng trộn.

Rác thải có thể rơi trở lại Trái đất, gây nguy hiểm cho con người và các loài vật khác. Năm 1997, một phụ nữ đã bị thương khi một mảnh kim loại từ trên trời rơi trúng vai. Theo các nhà khoa học tại NASA, đó có thể là một mảnh tên lửa tách ra. Dù đây là trường hợp duy nhất đến nay rác thải vũ trụ rơi xuống gây thương tích cho con người nhưng vẫn còn nhiều vật thể nguy hiểm khác có thể lao xuống Trái đất.

Chính rủi ro từ những thiết bị không sử dụng đã khiến NASA quyết định để tàu vũ trụ Cassini lao xuống khí quyển sao Thổ tự sát năm 2017, đề phòng con tàu gây tổn hại tới các mặt trăng có thể tồn tại sự sống của hành tinh này.

Hậu quả thứ hai khiến các nhà khoa học lo ngại hơn, đó là việc va chạm với rác thải làm hệ thống vệ tinh bị phá hủy. Rác vũ trụ không cháy hết trong khí quyển hay rơi trở lại Trái đất sẽ mắc kẹt trong không gian và vẫn bay quanh Trái đất. Không gian để vệ tinh được phóng lên và hoạt động có giới hạn nhất định. Khi rác thải vũ trụ chiếm quá nhiều chỗ, các vệ tinh có thể đâm vào chúng.

Năm 2009, vụ va chạm đầu tiên xảy ra giữa vệ tinh Iridium 33 của Mỹ và vệ tinh Cosmos 2251 không còn hoạt động của Nga. Sau cú đâm, Iridium hư hại nặng và lập tức ngừng hoạt động. Nghiêm trọng hơn, vụ va chạm tiếp tục tạo ra hơn 1.800 mảnh vụn rác trên vũ trụ, theo thống kê của Mạng lưới Giám sát Không gian Mỹ.

H.Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/don-rac-vu-tru-tro-thanh-nganh-kinh-doanh-moi/415834.vgp