Đón đầu nhân lực giao thông vận tải có ngoại ngữ tốt, UTT mở ngành ngôn ngữ Anh

Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải mở mới 2 ngành, trong đó có ngành Ngôn ngữ Anh.

Ngôn ngữ Anh được đánh giá là một trong những ngành có nhiều triển vọng việc làm, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế như hiện nay.

Ông Đỗ Đức Thọ - Chủ tịch hội đồng quản trị, nhà sáng lập công ty cổ phần Giáo dục và Dịch thuật VEDICO, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á đánh giá, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh rất đa dạng, hầu như có thể đảm nhận công việc hầu hết trong các lĩnh vực khác nhau.

Ông Đỗ Đức Thọ cho rằng, mức lương của ngành này khá hấp dẫn, mức khởi điểm từ 8 triệu đồng/tháng, ngoài ra tùy theo từng vị trí việc làm, doanh nghiệp, thu nhập có thể lên đến 35 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn.

 Ông Đỗ Đức Thọ - Chủ tịch hội đồng quản trị, nhà sáng lập công ty cổ phần Giáo dục và Dịch thuật VEDICO, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á. Ảnh: NVCC.

Ông Đỗ Đức Thọ - Chủ tịch hội đồng quản trị, nhà sáng lập công ty cổ phần Giáo dục và Dịch thuật VEDICO, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á. Ảnh: NVCC.

"Để có mức lương cao sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, sinh viên cần lưu ý đến các yếu tố như nắm vững kiến thức ngành, kỹ năng ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, sinh viên cần trang bị tốt các kỹ năng tin học, kỹ năng mềm, làm việc nhóm, đặc biệt cần chú trọng kiến thức và kỹ năng của bộ môn biên dịch, phiên dịch.

Theo ông Thọ, sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh sau khi ra trường có nhiều thuận lợi. Theo đó, đối với lĩnh vực công nghệ giao thông vận tải, khi các phương thức vận tải ngày càng phát triển thì đòi hỏi đội ngũ kỹ sư, nhân sự có trình độ ngoại ngữ, do đó mở ra nhiều cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, các dự án, nhà máy, doanh nghiệp công nghệ giao thông vận tải đều cần nhân sự nắm vững kiến thức chuyên ngành, thuật ngữ về công nghệ giao thông vận tải bằng tiếng Anh, chẳng hạn như các vị trí biên dịch, phiên dịch, nhân viên văn phòng hành chính, thư ký...

"Đặc biệt, nếu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh học song bằng công nghệ giao thông vận tải thì cơ hội việc làm và mức lương cao sau khi ra trường là điều dễ hiểu, bởi thiếu kỹ sư giao thông vận tải có trình độ tiếng Anh và ngược lại, nhiều cử nhân Ngôn ngữ Anh thiếu kiến thức, thuật ngữ lĩnh vực giao thông vận tải", ông Thọ khẳng định thêm.

Chia sẻ yêu cầu tuyển dụng tại công ty cổ phần Giáo dục và Dịch thuật VEDICO, ông Thọ cho hay, đầu tiên là ứng viên cần có bằng cấp đúng chuyên ngành; có kinh nghiệm làm việc 1 năm trở lên; đối với vị trí biên dịch sẽ căn cứ vào kết quả bản biên dịch khi kiểm tra đầu vào; hoặc phỏng vấn, kiểm tra các kỹ năng, kỹ thuật phản xạ đối với vị trí phiên dịch. Bên cạnh đó, ứng viên cần có kỹ năng tin học văn phòng, các kỹ năng mềm liên quan, áp dụng cho từng vị trí công việc cụ thể. Ứng viên cần chứng minh được năng lực, nỗ lực của bản thân và công ty có sự ưu tiên cho sinh viên thực tập tại công ty, dự án.

Ngoài ra, ông Đỗ Đức Thọ cũng đưa một số lưu ý đối với các cơ sở giáo dục có đào tạo nhân lực Ngôn ngữ Anh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo ông Thọ, chương trình đào tạo cần đảm bảo để sinh viên nắm chắc cả 4 kỹ năng ngôn ngữ Tiếng Anh, ưu tiên nhiều hơn cho các kỹ năng biên dịch, phiên dịch, các thuật ngữ, cấu trúc, kiến thức về lĩnh vực giao thông vận tải bằng tiếng Anh, tiếng Việt cũng như lồng ghép kiến thức cận chuyên ngành giao thông vận tải để sinh viên có thể tích lũy và xây dựng vốn thuật ngữ ngành thật tốt.

Ông Thọ cho rằng, cơ sở giáo dục cần tăng thời lượng cho sinh viên thực hành các kỹ năng biên dịch, phiên dịch, kỹ năng mềm liên quan để tự tin phỏng vấn việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo tìm hiểu, năm nay, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải mở mới 2 ngành, trong đó có ngành Ngôn ngữ Anh với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến 100 sinh viên.

Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, nhà trường dự kiến tuyển 5.000 chỉ tiêu trên phạm vi cả nước.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đào tạo 4 chương trình, bao gồm: Chương trình chuẩn; chương trình tăng cường ngoại ngữ; chương trình định hướng thực tập và làm việc tại Nhật Bản; chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Nhu cầu nhân lực có trình độ ngoại ngữ trong lĩnh vực giao thông vận tải

Để có thêm những thông tin toàn cảnh về ngành Ngôn ngữ Anh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa học ứng dụng và cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng Bộ môn Ngoại Ngữ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Theo thầy Trần Quốc Tuấn, Khoa Khoa học ứng dụng có tổng số 52 giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, 18 tiến sĩ và 33 thạc sĩ (trong đó có 12 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh). Các bộ môn thuộc khoa bao gồm: Toán ứng dụng, Vật lý công nghệ, Hóa học - Môi trường, Ngoại ngữ.

 Thầy Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Ảnh: NTCC)

Thầy Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ lý do năm 2024 nhà trường bắt đầu tuyển sinh, đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, thầy Trần Quốc Tuấn cho hay, để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt khoảng 5.000 km thì hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ ngành giao thông vận tải là rất lớn. Cùng với đó, nhu cầu nhân lực xây dựng, quản lý vận hành đường sắt tốc độ cao, tàu điện ngầm Metro, sân bay cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

"Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều chính sách thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào nhiều dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đứng trước nhu cầu lớn về nhân sự ngành giao thông vận tải, trong bối cảnh có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải lựa chọn mở ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt trong các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến giao thông vận tải, phục vụ công tác xây dựng, khai thác và quản lý các dự án giao thông vận tải ở nước ta trong thời gian tới", thầy Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Tuấn, sinh viên chọn ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải sẽ được đào tạo trong thời gian 4 năm với 127 tín chỉ. Chương trình đào tạo được thiết kế linh hoạt và có lộ trình rõ ràng. Vì vậy, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và kiến thức các lĩnh vực đặc thù của ngành Giao thông vận tải theo hướng ứng dụng – thực học – thực nghiệp. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo sinh viên có thể sẵn sàng nhập cuộc vào môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có nhiều cơ hội rèn nghề

Tiết lộ thêm, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng bộ môn Ngoại ngữ cho biết, học Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, sinh viên có nhiều cơ hội thực hành, thực tập.

 Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (bên phải) - Trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (bên phải) - Trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Về chương trình học tập, trải nghiệm, cô Hiền chia sẻ, trong những năm qua, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã thiết lập được các hệ thống quan hệ hợp tác rộng rãi và hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chẳng hạn như mô hình các lớp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (Tổng công ty Licogi; Công ty cổ phần Fecon...) hay các lớp đặt hàng của doanh nghiệp Nhật Bản. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có nhiều cơ hội thực hành, thực tập thông qua các chương trình trải nghiệm thực tế, học kỳ doanh nghiệp. Thông qua đó, các em bắt kịp với yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Về chương trình trải nghiệm, sinh viên được tham quan thực tế và giao lưu với các nhà tuyển dụng lao động, chuyên gia tại các công ty, doanh nghiệp lớn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này giúp các em có cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng làm việc và phát triển bản thân một cách toàn diện, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.

Bên cạnh đó, hàng năm, sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc từ 1-3 tháng tại các doanh nghiệp. Các em được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực chiến từ môi trường làm việc thực tế, đồng thời tạo mạng lưới quan hệ giữa sinh viên và nhà tuyển dụng lao động. Sinh viên có lựa chọn thực tập tại các doanh nghiệp theo sở trường công tác và định hướng nghề nghiệp theo đuổi trong tương lai.

Theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, sinh viên cũng có cơ hội tham gia các kỳ thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức ở nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc...nhằm phát huy tối đa vốn ngoại ngữ.

Ngoài ra, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh được tham gia các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học uy tín nước ngoài, đối với những sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt còn có cơ hội nhận học bổng du học.

Sinh viên Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải được trang bị những gì?

Thực tế, Ngôn ngữ Anh là ngành đã được nhiều cơ sở giáo dục tuyển sinh, đào tạo nhiều năm nay. Vậy ngành học này tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có gì đặc biệt?

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải thiết kế chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh theo triết lý giáo dục riêng của nhà trường, đó là "ứng dụng - thực học - thực nghiệp". Sinh viên được đào tạo để sử dụng tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh và một ngoại ngữ thứ 2 để phát huy tốt khả năng sử dụng ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp.

Đặc biệt, sinh viên Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn và kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và kinh tế phục vụ đa dạng nhu cầu về nguồn nhân lực. Các em có nhiều cơ hội thực tập, thực hành thông qua các học kỳ doanh nghiệp để bắt kịp với yêu cầu công việc trong điều kiện thực tế".

 Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có nhiều cơ hội thực hành. Ảnh minh họa: NTCC.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có nhiều cơ hội thực hành. Ảnh minh họa: NTCC.

Cũng theo cô Hiền, chương trình học bao gồm kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa của các quốc gia sử dụng tiếng Anh giúp người học có khả năng thích nghi và tư duy sáng tạo để hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ, như biên - phiên dịch, quản trị văn phòng, quản lý dự án quốc tế, nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị thêm các kỹ năng khác như giao tiếp, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, sử dụng công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo, thích nghi, nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội, khởi nghiệp... nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra của xã hội.

Cô Hiền nhấn mạnh thêm: "Nhà trường đã ban hành chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2045 với sứ mạng: “Đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành giao thông vận tải và của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển quốc tế, hội nhập với nền giáo dục đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới”.

Như vậy, việc đào tạo, cung cấp nhân sự ngành Ngôn ngữ Anh giúp mở rộng quy mô và bậc đào tạo nguồn nhân lực giỏi ngoại ngữ, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động và yêu cầu phát triển của ngành giao thông vận tải".

Về điều kiện cơ sở vật chất, Trưởng khoa Khoa học ứng dụng, thầy Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Thầy Tuấn nhấn mạnh: "Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngoại ngữ luôn được lãnh đạo trường quan tâm đầu tư. Thông qua dự án hợp tác kỹ thuật của Nhật Bản, nhà trường hiện có 7 phòng học ngoại ngữ đa phương tiện, được trang bị phần mềm học ngoại ngữ và các thiết bị nghe nhìn giúp sinh viên thực hành tiếng. Hệ thống thư viện, phòng học được trang bị tivi, máy chiếu và hệ thống âm thanh hiện đại, tạo điều kiện tích hợp công nghệ tối đa trong quá trình học của sinh viên".

Thầy Tuấn cũng cho biết thêm, đội ngũ giảng viên ngoại ngữ tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và triển khai dự án quốc tế.

 Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải bắt đầu tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh. Ảnh: NTCC

Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải bắt đầu tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh. Ảnh: NTCC

"Hiện có 24 giảng viên trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục uy tín trong, ngoài nước về Ngôn ngữ Anh và phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Đội ngũ giảng viên luôn nỗ lực để cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu và hiểu biết thực tiễn trong việc sử dụng và nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ chuyên gia, giảng viên nước ngoài, sẵn sàng chia sẻ giúp sinh viên nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ và tìm hiểu sâu hơn về chuyên môn. Các em có cơ hội thực hành ngôn ngữ ở tình huống chuyên môn cụ thể ngay trong thời gian học tập tại trường", thầy Tuấn bày tỏ thêm.

Bên cạnh những cơ hội từ nhu cầu của ngành giao thông vận tải và các ngành kinh tế quốc dân đối với nhân lực ngành Ngôn ngữ Anh, theo thầy Tuấn, việc có phương án đảm bảo chất lượng của ngành đào tạo cũng là một thách thức quan trọng.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải luôn coi trọng việc quản lý tốt chất lượng sản phẩm đầu ra thông qua các hình thức đánh giá của đơn vị sử dụng lao động, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo. Do vậy, thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ từ phía các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để đảm bảo rằng chất lượng giáo dục được duy trì và nâng cao liên tục.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/don-dau-nhan-luc-giao-thong-van-tai-co-ngoai-ngu-tot-utt-mo-nganh-ngon-ngu-anh-post243038.gd