'Đối thoại cùng thủ khoa': Học sinh băn khoăn nên tự học hay đi học thêm?
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, tự học là yếu tố quan trọng, theo chia sẻ của các thủ khoa tại chương trình 'Đối thoại cùng thủ khoa' diễn ra sáng nay, 17-2.
Sáng 17-2, Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) phối hợp với Công ty TNHH Gia sư eTeacher tổ chức chương trình Đối thoại cùng thủ khoa.

Chương trình "Đối thoại cùng thủ khoa" được tổ chức vào sáng nay với sự tham dự của 2.000 học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn. Ảnh: LTT
Đối thoại cùng thủ khoa là chương trình được tổ chức thường niên. Chủ đề năm nay là Target Lock - On - Khóa mục tiêu, với thông điệp "học sinh cần xác định thật rõ mục tiêu của mình và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp".
Đặt câu hỏi tại chương trình, một nam sinh thắc mắc: “Trong quá trình học tập của mình, anh/chị ưu tiên việc tự học, học online hay đi học thêm?”.
Bạn Nguyễn Vân Ngọc, thủ khoa khối D01, sinh viên ngành kế toán của Trường Đại học Ngoại thương CSII, cho biết mình vừa kết hợp việc tập trung học trên lớp, học thêm bên ngoài và quan trọng tự học.
"Tôi ưu tiên học với thầy cô vì khi học trực tiếp sẽ giúp bản thân dễ nắm bắt kiến thức, có gì chưa rõ, dễ dàng tương tác" - Ngọc lý giải.

Học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn đặt câu hỏi tại chương trình Đối thoại cùng thủ khoa. Ảnh: LTT
Nữ thủ khoa hiện đang là gia sư tại eTeacher nhìn nhận phương pháp học tập nào cũng tùy thuộc vào mỗi người.
“Ngoài ra, tôi thường tự học bằng cách xem live stream của các thầy cô các môn trên Facebook hoặc TikTok để cải thiện thêm những dạng bài hoặc cách giải bài. Chính điều này giúp tôi tiếp thu bài nhanh hơn” – Ngọc nói.
Trước câu hỏi, phải làm sao khi người học bị mất gốc, bạn Ngô Khánh Duy, thủ khoa khối A00, hiện đang là sinh viên ngành Toán thống kê của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: "Trong quá trình học, các bạn đừng quá áp lực với bản thân.
Tiếp thu kiến thức một cách có trật tự, chia nhỏ các phần, không học quá nhiều, dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân”.
Bày tỏ về việc xác định mục tiêu của bản thân, Khánh Duy nói điều đầu tiên cần đặt ra những câu hỏi: “Điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì?”, “Cơ hội, thách thức của mình là gì?.
Theo Duy, ban đầu có thể rất khó trả lời những câu hỏi này. Do đó, bản thân cần dành thời gian để tìm hiểu chính mình, hỏi thầy cô, hỏi anh chị đi trước hoặc lên Youtube nghiên cứu để có cái nhìn rõ hơn về con đường sẽ theo đuổi, từ đó dễ dàng đặt mục tiêu.
Thứ hai, các em cần đặt mục tiêu rõ ràng. Ví dụ thay vì đặt mục tiêu hơi mơ hồ "Tôi muốn đậu đại học” thì nên nêu rõ "Tôi muốn đạt 26+ điểm khối A để đậu vào ngành Toán Tài Chính, Đại học Kinh tế TP.HCM. Mục tiêu càng cụ thể, bản thân dễ lên kế hoạch thực hiện.
Cuối cùng, các bạn cần tránh so sánh mình với người khác một cách tiêu cực. Một số bạn hay lấy hình mẫu của người khác làm động lực cố gắng. Tuy nhiên, nếu so sánh một cách tiêu cực sẽ khiến chúng ta nghi ngờ vào khả năng của chính mình, áp lực đồng trang lứa và mất dần động lực học tập.
"Năm lớp 12, tôi học cùng rất nhiều bạn giỏi đến từ trường chuyên. Đôi khi, tôi thấy tự ti vì nhìn xung quanh ai cũng giỏi. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng, mỗi người có một khả năng. Do đó, tôi đặt ra lộ trình học và chỉ cần ngày hôm qua mình tốt hơn ngày hôm nay đã là thành công" - Duy nói.
Cạnh đó, thủ khoa Khánh Duy cho hay giữ tâm lý bình tĩnh và sức khỏe tốt là yếu tố quan trọng, quyết định đến khả năng làm bài của các bạn học sinh khi vào phòng thi.
Việc giữ sự cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi, không học một cách dồn dập rất cần thiết để có một tâm lý tốt, sức khỏe tốt.
"Ngoài ra, các bạn nên dành ít nhất 1-2 ngày trước khi thi để đi chơi, thư giãn. Riêng tôi, 1 ngày trước khi thi, tôi sẽ không vùi đầu vào sách vở vì học thời điểm đó rất khó tiếp thu" - Duy nhấn mạnh.