Đối thoại chính sách: Tiềm năng phát triển của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Việt Nam hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó làng thủ công mỹ nghệ được công nhận là hơn 2.600 làng.

Ngoài việc phục vụ thị trường nội địa rộng lớn cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều năm qua hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, các sản phẩm của chúng ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 2 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Đặc biệt, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, so với quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt hơn 750 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, mặt hàng này sẽ có kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ vào năm 2030, gấp 2 – 3 lần con số ở hiện tại. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở nước ta thì cần phải có những chiến lược bài bản, mà một trong số đó chính là chiến lược gắn thủ công mỹ nghệ với phát triển công nghiệp văn hóa. Nếu coi thủ công mỹ nghệ là một tiềm năng kinh tế lớn thì khi gắn với phát triển công nghiệp văn hóa bài bản thì từ tiềm năng kinh tế lớn sẽ có thể chuyển mình thành “con gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế chung của đất nước.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/doi-thoai-chinh-sach-tiem-nang-phat-trien-cua-cac-nganh-nghe-thu-cong-my-nghe-233483.htm