Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi: Những năm tháng không quên
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Cầu Khởi là cửa ngõ của Căn cứ Dương Minh Châu, và là một trong những nơi đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt hòng biến nơi đây trở thành 'vành đai trắng'.
Một ngày đầu mùa thu tháng Tám, chúng tôi- những thành viên Chi hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) huyện Dương Minh Châu có chuyến đi thực tế sáng tác trên địa bàn xã Cầu Khởi. Cơn mưa nặng hạt như gột rửa đi những bụi bặm, làm sáng bừng lên những mái nhà khang trang ven tuyến đường chính của tỉnh lộ 784.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa phương được chọn làm trung tâm hành chính của huyện. Đến năm 1977, các cơ quan huyện được điều chỉnh di dời về xã Suối Đá- nơi sau đó tách ra một phần diện tích đất tự nhiên và nhân khẩu để trở thành thị trấn Dương Minh Châu ngày nay.
Ông Huỳnh Anh Hy- Chủ tịch UBND xã cho biết, ngày 30.8.1995, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cầu Khởi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
Trong kháng chiến chống Pháp, Cầu Khởi là đường vận chuyển quân của Pháp nhằm đánh phá vào các vùng căn cứ của ta và xây dựng đồn điền cao su. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là đường vận chuyển khí tài quân sự, lương thực, thực phẩm từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng cho quân đội Mỹ; là tuyến đường tiếp tế lương thực phẩm, vận chuyển hậu cần của Mỹ từ Dầu Tiếng qua Trảng Lớn- Châu Thành. Đây còn là vùng căn cứ có tuyến đường giao liên các đoàn cán bộ, các lực lượng của Trung ương Cục, của tỉnh, các huyện đi xuống Trảng Bàng, Gò Dầu về tận Củ Chi (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Giữa năm 1951, huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập. Cầu Khởi vào thời đó là cửa ngõ vùng căn cứ Dương Minh Châu, có tuyến giao thông quan trọng lộ 26. Cả Pháp và Mỹ-ngụy đều lấy Cầu Khởi làm vị trí bàn đạp tấn công vào vùng căn cứ, càn quét, đánh phá rất ác liệt.
Cuối năm 1965, Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam với chiến lược “tìm và diệt”. Huyện đoàn Dương Minh Châu và Chi bộ xã Cầu Khởi chỉ đạo việc thành lập đội thiếu niên ở xã nhằm tập hợp và giáo dục các em thiếu niên là con em của các gia đình đi theo cách mạng, con của công nhân Đồn điền cao su Cầu Khởi ở lại không chịu thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược của địch; giao cho Xã đoàn Cầu Khởi trực tiếp phụ trách và tổ chức nội dung hoạt động của đội.
Tháng 10.1965, Mỹ đổ bộ đến Tây Ninh, chúng dùng đường 26- nay là tỉnh lộ 784- đi lại các khu vực Trảng Lớn, Bến Củi, Dầu Tiếng để tiếp tế và hành quân càn quét. Trên lộ 26 (đoạn ngang qua xã Cầu Khởi), Đội Công binh Huyện đội đóng tại Cầu Khởi đã chế tạo mìn và gài diệt trên 100 xe cơ giới. Phát hiện được cách đánh của ta, Mỹ cho lực lượng tuần tra hằng ngày trên các lộ lớn, lúc này, chỉ có thiếu nhi mới dám lân la ra đường và bám theo “đi chơi” với Mỹ.
Thấy được thuận lợi đó, vào đầu tháng 5.1966, Huyện đoàn Dương Minh Châu và Chi bộ xã Cầu Khởi quyết định tổ chức cho Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi (gọi tắt là Đội) trực tiếp đánh Mỹ; cử Nguyễn Văn Hùng làm đội trưởng và phân công đồng chí Hai Thẻo- Bí thư Xã đoàn phụ trách với nhiệm vụ nắm tình hình địch trên các tuyến giao liên, bảo đảm đường dây liên lạc an toàn, thu lượm vũ khí cho du kích- nhất là đạn, lựu đạn.
Được các anh công binh hướng dẫn đi lượm đầu đạn, trái lép của Mỹ, các đội viên còn học các anh du kích cách thức thực hiện rồi tự tạo ra các loại mìn để đánh xe cơ giới địch. Sau đó, theo dõi quy luật hoạt động cũng như cách bọn Mỹ rà mìn, các đội viên đã nghĩ ra cách đánh mới: đào lỗ trước vào ban đêm, dùng bao cát Mỹ chôn vào các lỗ, đợi xe rà mìn của Mỹ đi qua thì lấy bao cát ra rồi đặt mìn (đã được giấu trong các lô cao su) xuống, ngụy trang nhanh. Các xe quân sự đi sau đó khoảng 700 - 800m nhất định sẽ trúng mìn.
Nghĩ là làm, ngày hôm sau, các đội viên tổ chức đánh ngay. Kết quả, chiếc xe M113 chở lính trúng trái lật ngang đường, làm chết và bị thương 1 tiểu đội lính Mỹ. Đó là trận đánh và chiến công đầu tiên của Đội, cũng là cách đánh sáng tạo mà người lớn chưa nghĩ tới. Cách đánh mới của các đội viên Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi được Xã đoàn báo cáo lên Huyện đoàn và Chi bộ Cầu Khởi, được tuyên dương và nhân rộng.
Với sự mưu trí, dũng cảm và sáng tạo theo từng trận đánh, trong các năm 1966-1969, được các anh công binh huyện huấn luyện, Đội đã đánh hàng chục trận (có ngày tổ chức đánh 3 trận, có trận diệt đến 4 xe M113, M41 của Mỹ), diệt hơn 70 xe cơ giới và hơn 100 lính Mỹ, làm cho bọn Mỹ tổn thất nặng nề.
Ngoài ra, các đội viên còn đảm nhận việc đi dò đường, liên lạc, thông tin giúp các đơn vị bộ đội tránh được các đợt tập kích của địch; nắm tình hình, dọn đường lấp dấu, đo đạc mục tiêu phục vụ cho lực lượng chủ lực đánh đồn; cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội. Đội đã nhiều lần phát hiện lính đi càn kịp thời báo cho Chi bộ, Xã đội hoặc đi thăm dò đường sá khi có chuyến giao liên đi qua khu vực Cầu Khởi. Nhờ đó mà Chi bộ Cầu Khởi đứng vững và không bị tổn thất nhiều như các chi bộ khác.
Song song đó, các đội viên còn tiếp cận và làm quen với lính Mỹ, lợi dụng sự sơ hở của chúng, lấy vũ khí và phương tiện phục vụ chiến tranh, gồm: 1 đại liên, 2 khẩu M16, 2 khẩu M79, 2 súng ngắn, phá hủy 1 máy thu phát của địch, lấy 1 bộ đồ phẫu thuật và hàng ngàn đô la giao cho cách mạng.
Năm 1972, các đội viên đã lớn và đều tham gia quân giải phóng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975. Sau giải phóng, một số đội viên còn tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 1966-1969, Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi được Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đội trưởng Nguyễn Văn Hùng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, các đội viên khác được tặng bằng Dũng sĩ diệt Mỹ. Các huân chương và bằng khen tặng cho Đội Thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi được đồng chí Tư Cẩn chôn dưới gốc cao su Cầu Khởi. Không may, trong một trận càn, địch phát hiện và truy bắt các đội viên có tên trong danh sách.
Tháng 4.1993, Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức hội thảo lấy tư liệu viết sử về phong trào đấu tranh thanh thiếu niên tỉnh Tây Ninh. Các đội viên Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi được Tỉnh đoàn tổ chức cho ra miền Bắc viếng Lăng Bác Hồ và một số danh lam, thắng cảnh của đất nước theo lời hứa của các chú, các anh năm xưa; được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tôn vinh.
Có một điều rất đáng tiếc là trong 14 người của Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi ngày ấy, có nhiều người đi làm ăn xa ngoài địa phương và đến nay chỉ còn 4 người còn sống, trong đó có hai người ngụ trên địa bàn xã (đều là Dũng sĩ diệt Mỹ): bà Đặng Thị Le (sinh năm 1951) và ông Lê Văn Kim (sinh năm 1957).
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng truyền thống anh hùng cách mạng của quân và dân xã Cầu Khởi đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, hy sinh gian khổ bám trụ đấu tranh, đóng góp sức người, của cải vật chất, bao bọc nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, che chở lực lượng cách mạng, gây cho địch bao nỗi kinh hoàng, tổn thất, góp phần to lớn làm nên chiến thắng chung, tô thắm thêm ngọn cờ truyền thống của huyện căn cứ Dương Minh Châu anh hùng vẫn khắc sâu vào lịch sử, vào tâm khảm những người con Cầu Khởi nói riêng và huyện Dương Minh Châu nói chung.