Đổi thay ở Bó Mười
Về xã Bó Mười (Thuận Châu) những ngày này, màu xanh của các loại cây ăn quả, cây cà phê phủ xanh các sườn đồi; cơ sở hạ tầng của xã từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố... đã minh chứng cho sự đổi thay ở vùng đất này.
Để giúp người dân phát triển kinh tế, thoát cảnh đời sống khó khăn bởi phụ thuộc vào trồng ngô, sắn năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cấp ủy, chính quyền xã Bó Mười tập trung chỉ đạo các xã, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng bản; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tư vấn, hướng dẫn bà con các bản gieo trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, hướng dẫn người dân phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi theo đúng kỹ thuật. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn để mọi hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay, phục vụ sản xuất và kinh doanh (các tổ chức đoàn thể đã nhận ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đạt tổng dư nợ trên 61 tỷ đồng, hơn 1.240 hộ được vay).
Tìm hiểu được biết, Bó Mười hiện đang duy trì thâm canh 236 ha lúa (100 ha lúa chiêm xuân, 136,5 ha lúa mùa), sản lượng trên 1.264 tấn thóc/năm; hơn 700 ha ngô, sắn, sản lượng 5.300 tấn/năm; gần 240 ha cà phê (45 ha đã cho thu hoạch), sản lượng trên 54 tấn/năm. Đặc biệt, bà con các bản trên địa bàn xã đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích cây lương thực ngắn ngày, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, như: Xoài Đài Loan, nhãn, chanh leo, mận... Năm 2019, toàn xã trồng mới hơn 100 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích lên trên 700 ha (gần 120 ha đã cho thu hoạch); trồng thêm gần 30 ha mía, duy trì 30 ha rau màu, 106 ha cỏ voi...; duy trì và phát triển hơn 2.700 con trâu, bò; 1.600 con dê, gần 900 con lợn trên 2 tháng tuổi, 36 nghìn con gia cầm các loại, khai thác 33 ha ao cá... Từ những bước đi đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 34,7%, thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/người/năm.
Điển hình trong phát triển các mô hình kinh tế là gia đình anh Lò Văn Phương (bản Sản), mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Anh Phương chia sẻ hiện đang nuôi 15 con trâu, bò nhốt chuồng, 400 m2 ao cá, nuôi hơn 100 con gà, vịt, ngan các loại. Từ năm 2017, gia đình anh chuyển diện tích trước đây trồng ngô, sắn sang trồng 500 gốc xoài Đài Loan, 1 ha mận hậu, mận tam hoa. Còn gia đình anh Cà Văn Dũng (bản Nà Sành) cũng “ăn nên, làm ra” nhờ phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Hiện, gia đình có hơn 300 gốc cây xoài Đài Loan, nhãn và 100 gốc mận hậu, nuôi 20 con dê, 5 con trâu, bò... thu về mỗi năm hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.
Ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bó Mười khẳng định: Xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phát huy thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển trồng cây ăn quả trên dất dốc, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân trên địa bàn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-thay-o-bo-muoi-29016