Đổi tên thành Luật Căn cước hay giữ nguyên là Luật Căn cước công dân?
Trong chiều nay (18/8), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Băn khoăn lớn nhất vẫn là về tên gọi 'Luật căn cước công dân' hay 'Luật căn cước'.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội và quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, còn 2 luồng ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo luật. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với tên gọi “Luật căn cước” và loại ý kiến thứ 2 không tán thành.
Một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định việc quản lý và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam như Chính phủ trình là cần thiết. Tuy nhiên đối tượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 31 nghìn người, bằng khoảng 0,031% tổng dân số. Do đó việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là chưa phù hợp. Cùng với đó việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ dẫn đến những xáo trộn.
Trong lý giải về tên gọi của luật cũng như tên gọi của thẻ căn cước đi cùng, Bộ Công an giữ quan điểm cần phải thay đổi tên gọi của luật thành Luật căn cước và tên thẻ từ “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”. Đồng thời khẳng định việc thay đổi tên gọi không gây đảo lộn hay tốn kém.
Về vấn đề tên gọi, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ tính ưu việt của mỗi phương án tên gọi Luật Căn cước công dân hay Luật Căn cước.
Do vẫn còn những ý kiến trái chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị tiếp tục xin ý kiến về tên gọi, trong trường hợp không thống nhất được sẽ trình Quốc hội cả 2 phương án để quyết định. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm tính thuyết phục cao, tránh vì thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước mà vi phạm quyền công dân, quyền con người.
Dương Dung -
Cao Hoàng -
Đức Minh