Đổi mới không có nghĩa là 'doanh nghiệp hóa' đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo 'Đổi mới quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mô hình quản trị doanh nghiệp' với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập và đại diện một số tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu”.

Đặc biệt, Nghị quyết đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), trong đó, nêu rõ định hướng áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phân tích, có 5 đặc trưng để nhận diện ĐVSNCL: do nhà nước lập ra; người làm việc trong ĐVSNCL là người nhà nước; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

TS. Đinh Duy Hòa cho rằng, về nguyên tắc, ĐVSNCL không thể hoạt động như DN. Ảnh: P.Thảo

Nói về việc đổi mới, cải cách các ĐVSNCL, theo TS. Đinh Duy Hòa là do có quá nhiều ĐVSNCL (khoảng 58.000 đơn vị), ngân sách nhà nước không thể dàn trải ra để nuôi từng đó tổ chức. Cùng với đó, ĐVSNCL hoạt động kém hiệu quả, biểu hiện là người nhiều, sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước kém hiệu quả; chất lượng dịch vụ công cung cấp kém, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của người thụ hưởng dịch vụ.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, về nguyên tắc, ĐVSNCL không thể hoạt động như doanh nghiệp. Nếu có đơn vị nào có thể hoạt động như doanh nghiệp thì cần chuyển ngay những đơn vị này thành doanh nghiệp. Giới hạn đổi mới hoạt động của ĐVSNCL chính là ở điểm này.

Cho nên, ông Hòa cho rằng, không thể cổ súy cho phương châm cố gắng tạo điều kiện để ĐVSNCL vươn lên tự chủ đến mức nhà nước không cần chi từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức này. Những biện pháp nhằm đổi mới, cải cách ĐVSNCL chính là nhằm vào tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguồn lực được nhà nước cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công mà các ĐVSNCL cung cấp cho người dân, xã hội.

TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước cho rằng, đổi mới, cải cách ĐVSNCL không có nghĩa là “doanh nghiệp hóa” ĐVSNCL. Vì vậy, cần so sánh giữa mô hình quản trị doanh nghiệp với mô hình quản lý ĐVSNCL để rút ra những điểm giống và khác nhau và đề xuất mô hình quản trị ĐVSNCL trên cơ sở vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp.

Theo ông Tung, cần áp dụng một cách hợp lý của mô hình doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL mà không phải và không thể áp dụng hoàn toàn mô hình doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL, vì đây là hai khu vực khác nhau, doanh nghiệp thuộc khu vực thị trường, còn ĐVSNCL thuộc khu vực Nhà nước.

TS. Dương Quang Tung đề xuất thực hiện 3 nhóm giải pháp: Giải pháp về nhận thức, quan điểm; giải pháp về thể chế, chính sách, cơ chế; giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước đối với ĐVSNCL. Trong đó, cần tách quản lý nhà nước với quản trị ĐVSNCL; đổi mới quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản với ĐVSNCL; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của ĐVSNCL; tăng cường vai trò giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với kết quả hoạt động của ĐVSNCL.

Việc đổi mới ĐVSNCL theo định hướng cơ chế quản lý doanh nghiệp là tất yếu là quan điểm của PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Để bảo đảm hoạt động của các ĐVSNCL, ông Chung cho rằng, ngoài việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ tài chính, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các ĐVSNCL theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII.

PGS.TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, muốn đổi mới quản lý các ĐVSNCL thì việc cần làm là không hành chính hóa ĐVSNCL, mà đẩy mạnh sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ do các đơn vị này cung cấp, thực hiện khoán biên chế sang khoán tiền lương để kích thích chất lượng hoạt động…

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-moi-khong-co-nghia-la-doanh-nghiep-hoa-don-vi-su-nghiep-cong-lap-168102.html