Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới
Ngày 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh minh họa: DUY LINH)
Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá"
Nghị quyết chỉ rõ thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua như một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý; tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Từ quan điểm chỉ đạo này, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp thực tiễn đất nước.
Phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật
Để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Bộ Chính trị nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, trong đó trước hết phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật.
Các cấp ủy đảng phải lãnh đạo toàn diện, trực tiếp việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này. Người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.
Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước.
Phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng pháp luật về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, phi truyền thống (trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, khai thác nguồn lực dữ liệu, tài sản mã hóa...) để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.
Bộ Chính trị yêu cầu phải tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Đề cao công tác phòng ngừa, cảnh báo đi đôi với việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ phải nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế, xây dựng giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật và thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 288-NQ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Phó Trưởng ban và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí: Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.