Đội dân phòng - '4 tại chỗ' phòng cháy, chữa cháy

Đội dân phòng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được thành lập ở các địa phương trong tỉnh Bắc Giang, hoạt động với phương châm '4 tại chỗ', bước đầu góp phần phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý khi có cháy nổ. Tuy nhiên, để các đội hoạt động hiệu quả hơn, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Mỗi thôn, phố có một đội dân phòng

Toàn tỉnh đã thành lập 2.128 đội dân phòng PCCC với 22.796 đội viên, trong đó nhiều nhất phải kể đến huyện Lục Ngạn với 322 đội, tiếp đến là các huyện: Tân Yên 317 đội, Lục Nam 282 đội, Lạng Giang 261 đội... Tất cả các đội dân phòng ở thôn, tổ dân phố có quy chế hoạt động phù hợp với tình hình địa phương. Các đội ra đời đã hiện thực hóa phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC ở cơ sở.

Công an xã Yên Sơn (Lục Nam) trao đổi hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho lực lượng dân phòng tại địa phương.

Công an xã Yên Sơn (Lục Nam) trao đổi hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho lực lượng dân phòng tại địa phương.

Trong vụ cháy tại khu vực sản xuất gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Thăng ở thôn Trám, xã Mỹ Hà (Lạng Giang), đội dân phòng PCCC đã phát huy hiệu quả. Khoảng 7 giờ 15 phút ngày 26/12/2022, nguồn lửa phát ra từ khu vực đặt máy cắt khắc lazer tại xưởng sản xuất gỗ của gia đình anh Thăng. Ngay sau khi phát hiện, gia đình và người dân xung quanh nhanh chóng tiến hành chữa cháy, đồng thời thông báo đến Công an xã, chính quyền địa phương và đội dân phòng thôn.

Sự có mặt kịp thời của đội dân phòng cùng tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) huyện Lạng Giang đã giúp gia đình anh Thăng xử lý kịp thời sự cố, không để cháy lan.

Thiếu tá Tô Đức Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an huyện Lạng Giang) đánh giá: "Nhờ sự vào cuộc kịp thời của gia đình, nhân dân, nhất là lực lượng dân phòng, trên địa bàn có nhiều vụ cháy nổ được xử lý ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế thiệt hại về tài sản, không có thiệt hại về người". Hiện các đội trưởng, đội phó của 261 đội dân phòng trên địa bàn huyện đã được bố trí kinh phí hỗ trợ hằng tháng. Từ thực tiễn hoạt động, mỗi thành viên đội dân phòng đã thực sự là một chiến sĩ phòng cháy ở cơ sở.

Ông Dương Văn Chúng, Đội trưởng Đội dân phòng thôn Nội Chùa, xã Yên Sơn (Lục Nam) chia sẻ: "Tôi được Công an huyện trang bị, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức PCCC. Về thôn, tôi lại đưa kiến thức đó chia sẻ với các thành viên của đội và người dân, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bà con nâng cao kiến thức, chủ động phòng ngừa cháy nổ". Sau khi nghe ông Chúng vận động, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh đã tự trang bị bình chữa cháy. Được biết, ba năm nay trên địa bàn xã Yên Sơn không xảy ra sự cố cháy nổ.

Tiếp tục quan tâm đầu tư phương tiện

Hiện hoạt động của các đội dân phòng trên toàn tỉnh đang thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm; đội trưởng, đội phó là trưởng thôn, tổ dân phố hoặc công an viên. Các đội viên là thành viên ban quản lý thôn, tổ dân phố, chủ hộ tích cực ở khu dân cư. Thời gian qua, để các đội hoạt động hiệu quả, Công an tỉnh đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp xây dựng đội dân phòng mạnh.

Phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ là tổ trưởng tổ dân phố hoặc đội trưởng đội dân phòng hay người được ủy quyền chịu trách nhiệm; lực lượng tại chỗ là những người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng; phương tiện tại chỗ là các phương tiện phục vụ công tác cứu người, cứu tài sản như nguồn nước, vật liệu chữa cháy; vật tư và hậu cần tại chỗ là sự chuẩn bị kinh phí, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác này.

Ngày 12/7/2022 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22-NQ/HĐND quy định kinh phí chi trả mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng. Từ tháng 1/2023 đến nay, 10/10 huyện, TP đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách chi trả hỗ trợ cho chức danh Đội trưởng Đội dân phòng bằng 20% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng và cho chức danh Đội phó Đội dân phòng bằng 15% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của UBND các cấp còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho các đội dân phòng còn chưa đầy đủ. Toàn tỉnh mới có 4 đội dân phòng được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC và CNCH theo phụ lục 1 Thông tư 150/2020/TT - BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an. Đó là 4 đội dân phòng ở tổ dân phố: Toàn Mỹ, Vôi, Tân Thành, Đại Phú 2 thuộc thị trấn Vôi (Lạng Giang); 37 đội dân phòng đã được trang bị phương tiện nhưng chưa đầy đủ, chủ yếu là thiếu quần áo bảo hộ, phương tiện phá dỡ, loa, pin... Đa phần các đội dân phòng còn lại chưa được trang bị phương tiện, thực tế này phần nào ảnh hưởng tới công tác chữa cháy nếu xảy ra sự cố.

Có thể nói, đội dân phòng ở mỗi thôn, tổ dân phố giống như cánh tay nối dài của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp. Họ chính là người ở cơ sở, tiếp cận xử lý đám cháy sớm nhất nhằm phát huy tối đa phương châm"4 tại chỗ". Vì thế, để đội dân phòng PCCC ở các thôn, tổ dân phố phát huy hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC và CNCH ở địa phương, nhất là xử lý, giải quyết đám cháy, tổ chức công tác cứu hộ ngay từ khi phát sinh, chính quyền các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, bố trí nguồn ngân sách trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng dân phòng cơ sở.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/402822/doi-dan-phong-4-tai-cho-phong-chay-chua-chay.html