Đội cồng chiêng nữ đầu tiên ở Gia Lai mang theo lối chơi chiêng đặc biệt

Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung (huyện Kbang) là đội cồng chiêng nữ đầu tiên được thành lập ở Gia Lai. Những cô gái Ba Na mang vẻ đẹp dịu dàng có lối chơi chiêng nhịp nhàng, đầy uyển chuyển đã làm say đắm bao du khách khi đến với vùng đất đỏ bazan.

Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng nữ làng Leng hay còn gọi là Đội cồng chiêng nữ làng Leng, cũng là đội cồng chiêng nữ đầu tiên được thành lập đã mang lại cho văn hóa dân tộc những nét mới mẻ, phong phú. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Việc thành lập CLB cồng chiêng nữ làng Leng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Chính sự xuất hiện của đội cồng chiêng nữ đã đem đến bất ngờ lớn cho mọi người, dần xóa đi quan niệm đánh cồng chiêng là việc của đàn ông, cần sự khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Leng hay còn gọi là Đội cồng chiêng nữ làng Leng

Đội cồng chiêng nữ làng Leng có 60 thành viên, đều là người dân tộc Ba Na. Trong đó, thành viên lớn tuổi nhất là 56 tuổi và nhỏ tuổi nhất là 15 tuổi. Đây là CLB điểm đầu tiên được thành lập và ra mắt phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân địa phương trong các ngày lễ, hội.

Đồng thời giới thiệu đến công chúng, du khách thập phương những nét đẹp giá trị cốt lõi của Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên khi có dịp đến tham quan, trải nghiệm.

Chị Đinh Thị Khóp - Đội trưởng Đội cồng chiêng nữ làng Leng cho hay: “Theo tập tục của người Ba Na, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, chúng tôi đã thuyết phục mọi người, già làng đồng ý cho phụ nữ đánh chiêng.

Những năm trước, chúng tôi chỉ trình diễn trong các ngày hội, lễ của làng. Năm nay đội được biểu diễn ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku) – một chương trình cồng chiêng cuối tuần do Sở văn hóa - thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức. Chúng tôi rất tự hào về văn hóa dân tộc mình”.

Những cô gái Ba Na mang vẻ đẹp dịu dàng có lối chơi chiêng nhịp nhàng, đầy uyển chuyển

Khác với lối chơi khỏe khoắn, mạnh mẽ đầy dứt khoát cùng âm thanh trầm hùng ở đội cồng chiêng nam thì Đội chiêng nữ làng Leng lại tạo ấn tượng bởi lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển và nhịp nhàng. Những cô gái Ba Na mang vẻ đẹp dịu dàng đã trình diễn màn cồng chiêng ấn tượng ngay giữa lòng phố núi Pleiku làm say đắm bao người dân và du khách.

Dưới sự cổ vũ hò reo của người dân phố núi, những nữ nghệ nhân trình diễn như được tiếp thêm sức mạnh, các thành viên đội chiêng nữ thỏa sức thể hiện tình yêu, sự sáng tạo qua bài chiêng ca ngợi quê hương, đất nước và tình yêu lứa đôi. Những thanh âm cồng chiêng tấu lên bản nhạc trầm bổng, vang xa khắp thành phố.

Em Đinh Thị Lý (15 tuổi, thành viên Đội Cồng chiêng nữ làng Leng) chia sẻ: “Em được vào đội cồng chiêng nữ từ năm 12 tuổi. Ngoài biết múa xoang, em còn được học cách đánh chiêng. Mỗi khi tiếng chiêng vang lên là tay chân em cũng muốn đưa nhịp, em hay đi theo các cô, các chị biểu diễn. Không chỉ được thể hiện khả năng, học thêm cách đánh hay, không lạc nhịp em còn được giao lưu, kết bạn với mọi người. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để được cùng đội trình diễn nhiều hơn nữa”.

Sau mỗi bài trình diễn, Đội Cồng chiêng nữ làng Leng lại họp nhau cùng góp ý, rút kinh nghiệm cho các thành viên để màn trình diễn được thực hiện tốt nhất, mỹ mãn nhất. Đặc biệt, dưới sự chỉ bảo của các thành viên lớn tuổi những em nhỏ đã cố gắng học hỏi, nghiêm túc trong từng điệu nhảy, cách đánh chiêng… thể hiện tinh thần cộng đồng, gắn kết, cùng nhau phát triển.

Đôi bàn tay dẻo đều đưa lên đưa xuống của các cô gái Ba Na đã khiến người xem rộn ràng, xao xuyến

“Từ xưa, phụ nữ không biết đánh chiêng nên việc này chỉ có đàn ông khỏe mạnh trong làng đảm nhiệm. Nay thì khác, tuy không mạnh mẽ như các tay chiêng nam nhưng chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối chơi đã tạo nên nét thu hút riêng của đội chiêng nữ. Tôi rất vui vì dân làng cùng đoàn kết, cùng nhau gìn giữ tiếng chiêng, tiếng trống của ông bà và thế hệ đi trước để lại”, già làng Jram bộc bạch.

Không chỉ góp phần sôi động, độc đáo trong các buổi trình diễn ngày hội, ngày lễ của làng, các chị em tham gia biểu diễn cồng chiêng còn góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Đồng thời, tạo sức sống mới, một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Từ đội cồng chiêng nữ đầu tiên ở làng Leng, đến nay các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 25 đội cồng chiêng nữ với hơn 1.000 thành viên tham gia. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả các đội cồng chiêng nữ đã khẳng định vai trò tích cực của phụ nữ trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-cong-chieng-nu-dau-tien-o-gia-lai-mang-theo-loi-choi-chieng-dac-biet-post273635.html