Độc đáo lễ hội Thanh Minh xứ Duồng

Theo truyền thống hàng năm, vào dịp tiết Thanh Minh, người dân xã Chí Công (huyện Tuy Phong) sẽ cúng tế các bậc thánh nhân để tưởng nhớ công ơn cũng như cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sự kiện này mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc và là lễ hội thu hút đông đảo không chỉ dân địa phương mà du khách gần xa cũng đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm nhiều hoạt động lạ mắt nơi đây.

Lễ hội Thanh Minh xứ Duồng thường rơi vào ngày 4/4 hoặc 5/4 hàng năm. Lễ hội thường được tổ chức trong 5 ngày gồm các hoạt động Khai Kinh, Thỉnh Sanh, Cúng tế Thần Hoàng, Thỉnh cỗ bánh người dân cúng, Cúng Đại Lễ, Cúng xí thực, xô cộ bánh, Lễ khai Diên hát bộ… Sau Tết Nguyên đán thì lễ hội Thanh Minh là ngày lễ lớn thứ 2 của người dân xứ Duồng. Những ngày này, hầu hết bà con ngư dân đều neo thuyền, gác lưới, ai đi làm ăn xa cũng tranh thủ về sum họp gia đình, tảo mộ và nô nức kéo về miếu dự lễ cúng Thanh Minh.

Một trong những nghi thức rước ông bà về miếu Thanh Minh

Một trong những nghi thức rước ông bà về miếu Thanh Minh

Các cỗ bánh được tập trung về 2 miếu để làm lễ

Các cỗ bánh được tập trung về 2 miếu để làm lễ

Ngay từ sáng sớm, khắp các nẻo đường, hẻm nhỏ đã thấy nhiều xe ba bánh đến nhiều nhà rước các cỗ bánh, chở về miếu làm lễ. Tháp bánh thường được làm từ các loại bánh tét, bánh chưng, bánh ngọt, nước ngọt, trái cây… Nếu để ý, mọi người sẽ thấy trên mỗi tháp đều có cờ hiệu ghi tên của người đóng góp. Những cỗ bánh nhiều sắc màu góp phần làm cho lễ hội thêm phần trang trọng, minh chứng cho sự ấm no, đoàn kết, gắn bó của người dân xứ biển.

Mỗi cỗ bánh đều có cờ hiệu ghi tên của người đóng góp

Mỗi cỗ bánh đều có cờ hiệu ghi tên của người đóng góp

Rất nhiều hoạt động, nghi lễ diễn ra trong lễ hội Thanh Minh

Rất nhiều hoạt động, nghi lễ diễn ra trong lễ hội Thanh Minh

Theo người dân địa phương, ở xã Chí Công có 2 địa điểm cúng tế và tổ chức xô cộ là miếu Hùng Vương (thôn Hà Thủy 2) và miếu Quan Thánh (thôn Hiệp Đức 1), trong đó, miếu Hùng Vương tập trung đông đúc bà con và quy mô tổ chức lễ lớn hơn nhiều so với điểm còn lại. Lễ hội Thanh Minh xứ Duồng đặc biệt hơn so với các lễ hội ở nơi khác là có nghi thức xô cộ (hè bánh), tạo nên không khí nhộn nhịp, phấn khởi và đầy ắp tiếng cười của bà con địa phương.

Nghi thức hè bánh được người lớn lẫn trẻ nhỏ mong đợi nhất trong lễ hội Thanh Minh hàng năm

Nghi thức hè bánh được người lớn lẫn trẻ nhỏ mong đợi nhất trong lễ hội Thanh Minh hàng năm

Ai nhanh tay sẽ chụp được bánh trái, xem như lộc tổ tiên mang lại.

Ai nhanh tay sẽ chụp được bánh trái, xem như lộc tổ tiên mang lại.

Bà con dân biển xứ Duồng rất coi trọng lễ hội này, bởi nó gắn liền với đạo đức, văn hóa, là bổn phận của con cháu phải tưởng nhớ công lao của tổ tiên. Đây cũng chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành tạo dựng của những người đi trước. Đồng thời, đây cũng là dịp bà con ngư dân cầu cho 1 năm mưa thuận gió hòa, các chuyến biển đầy ắp cá tôm, đời sống ngư dân khấm khá.

Ai cũng háo hức để đón nhận "lộc" từ tổ tiên

Ai cũng háo hức để đón nhận "lộc" từ tổ tiên

Dân địa phương có được ngày vui như hội

Dân địa phương có được ngày vui như hội

Những ngày tiếp theo, bà con miền biển nơi đây sẽ được thưởng thức các tiết mục hát bội

Những ngày tiếp theo, bà con miền biển nơi đây sẽ được thưởng thức các tiết mục hát bội

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doc-dao-le-hoi-thanh-minh-xu-duong-107011.html