Doanh thu dịch vụ tiêu dùng Hà Nội vượt 300 nghìn tỉ: Doanh nghiệp vẫn thận trọng

Thủ đô Hà Nội vừa ghi nhận kết quả doanh thu tiêu dùng dịch vụ trong 4 tháng đầu năm 2025. Trước chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đều tăng trưởng, các doanh nghiệp mừng nhưng vẫn thận trọng.

Ảnh minh họa: TB.

Ảnh minh họa: TB.

Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 76,8 nghìn tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, con số này lên tới 303,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TS. Phạm Thanh Phong, Viện Pháp lý kinh doanh (HLG), đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sức mua của người dân đang có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang từng bước thích nghi với những biến động từ bên ngoài, đồng thời phản ánh phần nào sự hồi phục tâm lý tiêu dùng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thắt chặt chi tiêu và xu hướng tiết kiệm.

Ông Phong nhận xét: “13,4% là mức tăng trưởng không nhỏ nếu đặt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khu vực vẫn đang vật lộn với nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Trong khi một số lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu chưa ghi nhận tăng trưởng rõ nét, thì thị trường tiêu dùng nội địa đang trở thành điểm tựa cho nền kinh tế đô thị như Hà Nội. Đây là minh chứng cho thấy vai trò quan trọng và sức sống bền bỉ của khối tiêu dùng trong nước”.

Khảo sát thực tế từ một số doanh nghiệp tại Hà Nội cho thấy, dù thị trường đang có những tín hiệu tích cực doanh nghiệp vẫn cho rằng cần thận trọng trước những con số tăng trưởng.

“Mức tăng tổng thể chưa hoàn toàn phản ánh đồng đều tình hình kinh doanh của từng ngành hàng hay từng quy mô doanh nghiệp. Bài toán hàng tồn kho, chi phí đầu vào và sức ép cạnh tranh trên thị trường bán lẻ hiện tại vẫn là những yếu tố khiến không ít doanh nghiệp phải gồng mình cầm cự. 4 tháng đầu năm có 3 kỳ nghỉ, trong đó có 2 kỳ nghỉ dài là Tết nguyên đán, 30/4-1/5 nên đã góp phần tích cực trong việc việc tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng. Còn ở những tháng tiếp theo vẫn chưa thể lạc quan”, bà Lê Thị Hoa, chủ chuỗi siêu thị mini tại Hà Nội nhận định.

Ông Trần Đức Huy, Giám đốc Kinh doanh công ty điện máy (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Chúng tôi vẫn đang đối mặt với lượng hàng tồn kho khá lớn, đặc biệt ở nhóm sản phẩm điện lạnh và điện tử. Người tiêu dùng có xu hướng cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm những mặt hàng giá trị cao. Tuy nhiên, việc tổng mức bán lẻ toàn thành phố tăng trưởng đều là dấu hiệu cho thấy lực cầu đang dần trở lại, và điều này mang đến hy vọng cho chúng tôi trong thời gian tới.”

Trong ngành may mặc, bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc chuỗi thời trang tại quận Cầu Giấy cũng có góc nhìn thận trọng: “Chúng tôi chưa thấy doanh thu thực sự khởi sắc. Phần lớn khách hàng vẫn mua sắm chủ yếu trong các đợt khuyến mại, trong khi đó, chi phí mặt bằng và nhân công tiếp tục tăng. Điều khiến chúng tôi giữ vững niềm tin là chỉ số tiêu dùng toàn ngành đang cho thấy xu hướng đi lên, và chúng tôi xem đây là cơ hội để tái cơ cấu sản phẩm, đẩy mạnh kênh bán hàng đa nền tảng.”

Ở lĩnh vực dịch vụ ăn uống, ông Lê Văn Long, đại diện chuỗi nhà hàng tại quận Ba Đình nhận định: “Lưu lượng khách hàng ăn uống có cải thiện so với quý trước, nhưng chi tiêu trung bình mỗi bàn vẫn chưa tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng toàn ngành là động lực để chúng tôi không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ, đầu tư vào trải nghiệm khách hàng. Đây là thời điểm chúng tôi cần kiên nhẫn để chờ thị trường phục hồi một cách thực chất”.

Theo TS. Nguyễn Bích Thủy – chuyên gia kinh tế tiêu dùng, giảng viên liên kết quốc tế Đại học Latrob, mức tăng trưởng 13,4% không chỉ là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp mà còn thể hiện lòng tin của người dân vào triển vọng phục hồi kinh tế trong nước.

“Dòng tiền trong nền kinh tế đang có dấu hiệu được luân chuyển mạnh hơn, thể hiện qua tăng trưởng doanh thu tiêu dùng. Điều này phần nào phản ánh tâm lý lạc quan hơn của người dân. Tuy nhiên, không nên nhìn vào chỉ số này một cách quá đơn giản. Tăng trưởng tiêu dùng hiện nay vẫn mang tính cục bộ, tập trung chủ yếu ở một số nhóm ngành có sức bật nhanh như thực phẩm, dịch vụ, sản phẩm tiện ích”, TS Thủy nhận định.

TS Thủy cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt chưa giảm rõ rệt, lãi suất tín dụng vẫn ở mức khiến người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu dài hạn, các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong việc xây dựng chiến lược bán hàng. Điều quan trọng là phải đọc được nhu cầu thị trường, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào các chỉ số tăng trưởng vĩ mô.

Tăng trưởng bán lẻ là một thành phần quan trọng trong tăng trưởng GDP, đặc biệt đối với các đô thị lớn như Hà Nội, nơi quy mô dân số và nhu cầu tiêu dùng luôn ở mức cao. Tuy nhiên, để giữ được đà tăng trưởng này trong dài hạn, cần cải thiện môi trường kinh doanh và ứng dụng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến giá cả, mà còn đòi hỏi cao về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Các doanh nghiệp phải tái định vị thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh”, TS Phong phân tích.

Theo các chuyên gia, nhìn từ chỉ số tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm, có thể thấy rằng thị trường đang dần bước vào chu kỳ hồi phục mới. Tuy chưa đồng đều, nhưng xu thế tăng trưởng là có thật. Điều quan trọng là cần giữ vững nhịp điệu này bằng sự kết hợp giữa nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời, đúng trọng tâm của chính sách.

TS Nguyễn Bích Thủy nhấn mạnh: “Kinh tế tiêu dùng không chỉ là thước đo sức khỏe tài chính của người dân, mà còn là động lực then chốt để kích thích sản xuất, tạo việc làm và lan tỏa tăng trưởng. Với những tín hiệu khả quan từ Hà Nội có cơ sở để kỳ vọng rằng, nếu được khơi thông đúng hướng, dòng chảy tiêu dùng sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế”.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-ha-noi-vuot-300-nghin-ti-doanh-nghiep-van-than-trong-10305438.html