Doanh nhân Hà Văn Thắng: Người nâng việc… chăn nuôi bò lên một 'tầm cao' mới
Khởi nghiệp và đi lên trong lĩnh vực xây lắp nhưng doanh nhân Hà Văn Thắng (Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam) lại ghi dấu ấn với lĩnh vực nông nghiệp.
“Hệ sinh thái” liên quan lĩnh vực chăn nuôi bò
Ông Thắng sinh ra, lớn lên ở một miền quê nghèo ven sông Hồng ngoại thành Hà Nội, tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng, con trâu, cái cày... Tốt nghiệp phổ thông, nhà nghèo nên chàng trai phải đi làm sớm. Để có thể vừa học vừa làm, ông xin vào làm công nhân trên công trường xây dựng Sông Đà, phấn đấu rèn luyện trở thành đội trưởng một đội xây dựng của Tổng đội thanh niên TCty Xây dựng Sông Đà.
Khi tái lập tỉnh Hòa Bình, ông chuyển công tác làm cán bộ Đoàn chuyên trách ở Tỉnh Đoàn; đầu những năm 2000 trở thành GĐ một xí nghiệp thanh niên mang tên 26/3 (sau này cổ phần hóa là Cty CP 26/3 Hòa Bình). Đây là một mô hình kinh tế thanh niên đa ngành, chuyên tạo việc làm cho lao động trẻ, đặc biệt là con em cán bộ, công nhân đã từng làm việc trên công trường thủy điện Sông Đà.
Năm 2012, với tình yêu nông nghiệp cũng như nhận thấy dư địa trong ngành vẫn còn rất lớn, kỹ sư xây dựng Hà Văn Thắng cùng một số người cùng chí hướng đã thành lập Hệ sinh thái 159 Hòa Bình.
Với những nỗ lực, cống hiến và đóng góp thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng như bà con nông dân, cộng đồng, xã hội, doanh nhân Hà Văn Thắng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Giải thưởng tri thức khoa học tiêu biểu toàn quốc 2019. Ngoài ra là rất nhiều bằng khen, giải thưởng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cấp tỉnh, cấp Hội, Hiệp hội…
Ông nói: “Tôi đến với công việc hiện tại cũng là duyên. Khi DN phát triển đến một tầm nào đó, người ta sẽ nghĩ đến một giá trị khác, ngoài giá trị vật chất đơn thuần. Chúng tôi mong muốn làm một cái gì đó thực sự ý nghĩa, có thể mang lại lợi ích cho nhiều người và phải có tính nhân văn, hiện thực”.
Bắt tay vào làm, ông Thắng mày mò nghiên cứu các mô hình đi trước xem vì sao chưa thành công? Xem một số mô hình chăn nuôi bò sữa thành công ở mức độ nào, cần phải bổ sung những gì? Xác định những khâu còn thiếu trong mô hình nông trại, các thành viên Hệ sinh thái 159 Hòa Bình bắt đầu hình thành một trang trại để ngoài việc tổ chức chăn nuôi trong khu vực của mình, còn làm các dịch vụ khác nữa…
Thực tế, ở các nông trại, nông dân không thể ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất vi sinh mà chỉ chăn nuôi, bảo vệ và phát triển gia súc của mình bằng kinh nghiệm truyền thống, còn kiến thức hiện đại và công nghệ mới thì chưa được tiếp xúc nhiều. Đây cũng là lý do dẫn đến việc hình thành các chuỗi liên kết. Cũng từ đây, ông Thắng nảy ra ý tưởng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Ông Thắng phân tích: “Từ hồi còn học phổ thông chúng ta đã biết hệ tuần toàn của máu. Dòng máu được bơm từ tim, sau đó lên não, đi nuôi dưỡng khắp các bộ phận cơ thể rồi cuối cùng lại quay trở về tim. Nó không mất đi mà tạo lại những giá trị mới để nuôi dưỡng cơ thể. KTTH cũng vậy. KTTH chính là nền tảng để phát triển bền vững”.
Hiện trong Hệ sinh thái 159 Hòa Bình có hơn 10 Cty CP, 4 khu trang trại vùng lõi và liên kết hàng ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An… với hàng chục ngàn con bò thịt.
Theo quy trình hiện tại, các thức ăn có nguồn gốc từ cây cỏ có thể sản xuất thức ăn thì được chuyển vào bộ phận sản xuất thức ăn. Những cây cỏ không thể sản xuất thức ăn được làm đệm lót sinh học, như những ngôi nhà thu gom và xử lý toàn bộ thức ăn thừa và nước tiểu. Sau khi thu gom, các phụ phế này được xử lý thành phân vi sinh bón cho cây. Trang trại cũng thực hiện các giải pháp góp phần làm thông thoáng trang trại, khiến bò không cần tắm vẫn sạch sẽ, thơm tho. Phân bón thì cung cấp cho các lâm hộ trong hệ sinh thái để trồng rau sạch, hoa quả sạch… tạo thành một chuỗi tuần hoàn khép kín.
Theo ông Thắng, sự nhân văn nhất của sinh thái tuần hoàn là trả lại hệ sinh thái tự nhiên. Nếu tất cả người dân, nhà máy đều vận dụng hết sức linh hoạt và sáng tạo triết lý phương thức đó vào đời sống xã hội thì sẽ không lo khói bụi, ô nhiễm môi trường. Ở nước ngoài, còn có phương pháp trồng cỏ để khắc phục khói bụi, trả lại hệ sinh thái cho cây cỏ, khiến khói bụi sẽ không có cơ hội phát tán, gây ô nhiễm. Hệ sinh thái 159 Hòa Bình cũng đang thực hiện công việc tương tự.
Những “trái ngọt” đầu mùa
Ông Thắng kể, lúc đầu là chữ duyên, càng làm ông càng thấy say mê, nhất là khi phát hiện ra những điều mới, giá trị to lớn mang đến cho cộng đồng, xã hội và rồi tinh thần phấn khích và niềm đam mê lại trỗi dậy. Tuy thành quả chưa nhiều nhưng ý nghĩa của chương trình KTTH vô cùng lớn. Thứ nhất, lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò từ nguồn thức ăn vi sinh khá lớn; Thứ hai, biến phân thành hàng hóa, thức ăn chăn nuôi giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; Thứ ba, toàn bộ giá phân vô cơ bù đắp khi giá phân hữu cơ đang tăng cao. Lợi đơn, lợi kép, hàng ngàn hộ gia đình được hưởng lợi từ mô hình này.
Ông Thắng cho rằng “KTTH càng làm càng thấy hay, càng khai thác càng thấy hiệu quả. Đặc biệt, dư địa, tính lan tỏa, không gian mở của mô hình này là vô cùng lớn, không thể định lượng được. Do đó, nếu giải pháp linh hoạt hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn thì nó mang đến giá trị lớn hơn”.
Từ thực tế đó, Hệ sinh thái 159 Hòa Bình liên tục đặt ra mục tiêu cao hơn, nâng cấp công nghệ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình này.
Được đào tạo và đi lên từ xây dựng nhưng ông Thắng nói về nông nghiệp như một chuyên gia thực thụ. Người ta gọi ông bằng cái tên gần gũi “Thắng chăn bò” cũng ngầm khen ngợi năng khiếu chăn nuôi của ông cũng như sự đam mê và tâm huyết với lĩnh vực này. Theo ông, thành công sẽ có được nếu đam mê, khát vọng cháy bỏng và phải tạo ra được các động lực. Tiếp theo đó, phải chuẩn bị các nguồn lực, tận dụng, tranh thủ, phát huy và vận dụng sáng tạo bài toán chia sẻ, đặc biệt là chia sẻ về lợi ích. Không chỉ vậy, còn phải có một niềm tin mãnh liệt.
Bước sang tuổi 60, ngọn lửa đam mê kinh doanh và tình yêu KTTH nông nghiệp vẫn nồng cháy hơn trong doanh nhân Hà Văn Thắng.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông còn sáng lập và tư vấn cho hơn chục DN trong hệ sinh thái nông nghiệp, góp phần mang đến cho mỗi gia đình những bữa ăn ngon, sạch, bổ, rẻ. Ông cho hay sẵn sàng cố vấn, hỗ trợ, giúp đỡ cho những cá nhân, DN có nhu cầu học hỏi, áp dụng phương thức mới mẻ ý nghĩa này. “Với tôi, cho đi là còn mãi. Sống là phải biết cho đi!”, ông nói.
“Cần có cơ chế pháp lý riêng cho lĩnh vực nông nghiệp”
Mang nhiều giá trị, ý nghĩa rất nhân văn, nhưng DN khi triển khai mô hình này vẫn chưa được tạo điều kiện nhiều, theo ông Thắng. Ví dụ như trong chăn nuôi, nông nghiệp… phải có đánh giá tác động môi trường vì nói đến chăn nuôi là thường bị nghĩ đến chất thải, là ô nhiễm. “Bằng các giải pháp sinh học, chúng tôi đã giải quyết được hết vấn đề đó. Nhưng trong quá trình lập dự án, chúng tôi vẫn phải đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định và xây dựng một hệ thống xử lý nước thải, với các quy trình rất chặt chẽ”...
Về mặt chính sách, ông Thắng cho rằng trong 26 mục hàng sẽ không phải chịu thuế VAT thuộc lĩnh vực nông nghiệp, không có tên đệm lót sinh học nên ngành Thuế vẫn yêu cầu DN đóng thuế. Ông Thắng cho rằng quy định này là “phân biệt” với quá trình đổi mới, sáng tạo. “Chúng tôi có thể thay đệm lót sinh học thành đệm lót chuồng là mọi việc được giải quyết. Nhưng nếu làm như thế thì sẽ không có tính khoa học, sức lan tỏa không lớn, vì đệm lót sinh học chỉ gọi là đệm lót sinh học khi được cấy vi sinh vào đó; chứ không chỉ đơn thuần là đệm lót”.
Một băn khoăn khác ông Thắng đề cập đến là trang trại bò dù chỉ làm chuồng trại, khu dự trữ thức ăn, khu vực trồng cỏ, nhưng trên 500ha phải làm quy hoạch chi tiết, kể cả đồng cỏ. “Đây là việc làm không cần thiết và gây khó cho DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, cần có cơ chế pháp lý riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, hoặc phải quy định cụ thể từng lĩnh vực và có hướng dẫn riêng cho dễ thực hiện. Có như vậy pháp luật mới đi vào cuộc sống”, ông Thắng nói.