Doanh nhân Anh Dương, Đồng sáng lập AirX Carbon: Hành trình thương mại hóa carbon âm tính

Bằng việc sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, nguyên, vật liệu carbon âm tính, doanh nhân Anh Dương và AirX Carbon đã mở ra một hướng đi đầy kỳ vọng nhằm đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Doanh nhân Anh Dương (hàng đầu, bên phải), Đồng sáng lập AirX Carbon.

“Học phí” khởi nghiệp

Trước khi khởi nghiệp với AirX Carbon, ông Anh Dương đã cùng các cộng sự triển khai dự án sản xuất, kinh doanh giày, dép, khẩu trang từ bã cà phê. Thời điểm đó, nhóm của ông Dương phải nhập nguyên liệu sinh học từ nước ngoài về để sản xuất. Từ đây, ông nhận ra tiềm năng lớn của thị trường nguyên, vật liệu sinh học.

Năm 2020, ông Dương cùng các cộng sự thành lập AirX Carbon, rẽ sang nghiên cứu, sản xuất, phát triển vật liệu sinh học. Nhớ lại giai đoạn này, ông Dương chia sẻ, do vật liệu sinh học, đặc biệt là vật liệu sinh học carbon âm tính còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nên đội ngũ AirX Carbon đã phải trả không ít “học phí”.

Từ khi thành lập đến nay, AirX Carbon đã đạt được nhiều thành tựu, như giải Á quân Techfest Việt Nam 2023, giành chiến thắng tại cuộc thi Thách thức Net Zero 2023..., thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để mở rộng quy mô, hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, AirX Carbon đang làm việc với một số quỹ đầu tư cho vòng gọi vốn hạt giống trị giá khoảng 2 triệu USD.

“Có khi, chúng tôi làm ra một nguyên liệu giống ở nước ngoài, nhưng không đưa vào sản xuất ở trong nước được, vì tại Việt Nam chưa có máy móc để xử lý loại nguyên liệu đó. Có lần, chúng tôi đặt hàng một mẫu nguyên liệu, nhưng đối tác giao nhầm hàng. Chúng tôi không biết, nên cứ làm theo mãi mà không ra được thành phẩm”, ông Dương kể.

Do thiếu máy móc, cơ sở vật chất để nghiên cứu, AirX Carbon đã phối hợp với một số trường đại học để đẩy nhanh việc nghiên cứu cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các viện nghiên cứu cũng chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, mà để đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp, thì cần nhiều hơn thế. Dẫu vậy, khó khăn không làm ông Dương và đội ngũ chùn bước.

Cơ hội rộng mở

Sản phẩm chính mà AirX Carbon cung cấp là nguyên liệu carbon âm tính có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ thực vật để doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, vật liệu nhựa sinh học của riêng mình, thay thế nhựa làm từ dầu mỏ truyền thống.

Carbon âm tính hiểu đơn giản là loại bỏ CO2 khỏi khí quyển hoặc cô lập CO2 nhiều hơn lượng phát ra. AirX Carbon sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như bã cà phê, bã mía, sơ dừa, vỏ ca cao, bã đậu…, mà không dùng đến các cây lương thực. Sau đó, doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ đồng vị carbon (C14) được tìm thấy trong sinh khối, thông qua quá trình tổng hợp vật liệu phức tạp để tạo thành nhựa gốc thực vật.

“Vì cây cối hấp thụ CO2 nhờ quang hợp và lưu trữ carbon trong cấu trúc của chúng, nên khi tái sử dụng những phần cấu trúc ‘bỏ đi’, ví dụ bã cà phê, thân cây mía, để sản xuất vật liệu tổng hợp sinh học, AirX Carbon có thể đảm bảo, carbon mà cây hấp thụ trước đó sẽ được giữ lại, không xâm nhập vào khí quyển và nằm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, trong một số loại vật liệu sinh học đặc biệt, nguyên tố carbon bị khóa vĩnh viễn và không quay trở lại thành CO2”, ông Dương giải thích.

Tương tự, bằng cách tổng hợp nhiều loại nguyên liệu trong quá trình sản xuất, AirX có thể đạt carbon âm tính vì hàm lượng sinh học cao và quá trình sản xuất đòi hỏi ít năng lượng hơn so với sản xuất nhựa mới từ vật liệu nguyên chất. Khi hết thời gian sử dụng, sản phẩm nhựa sinh học có thể được tái chế để tạo ra một dạng vật liệu mới, đảm bảo carbon liên tục được thu giữ và tuần hoàn trong vật liệu. Tính năng này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, mà còn giúp hạn chế lượng khí thải carbon.

AirX Carbon có nhiều loại nhựa sinh học, từ lưu trữ hàm lượng carbon thấp (0,841 tấn carbon/tấn nhựa) đến lưu trữ carbon cao (1,5 tấn carbon/tấn nguyên liệu). Công ty đang hoàn thiện loại nhựa sinh học mới có khả năng lưu trữ lên tới 3,5 tấn carbon/tấn nguyên liệu.

Năm 2023, AirX Carbon cho ra mắt nguyên liệu carbon âm tính từ bã cà phê đầu tiên trên thế giới. Ông Dương tự hào, vì hiện có khoảng 3, 4 đơn vị có thể sản xuất được nguyên liệu carbon âm tính từ bã cà phê, nhưng AirX Carbon là đơn vị duy nhất có thể thương mại hóa vật liệu này.

Thị trường vật liệu sinh học, vật liệu âm carbon đang rất rộng mở, nên cơ hội dành cho AirX Carbon rất lớn. “Xu hướng kinh tế xanh, Net Zero đang thúc đẩy các doanh nghiệp phải chuyển mình. Với sản phẩm bắt kịp xu thế, chúng tôi nhận được khá nhiều sự quan tâm”, ông Dương nói.

Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Anh Dương cho biết, trong 12 tháng tới, AirX Carbon sẽ chính thức hoàn thiện và đưa nhà máy tại Long An vào hoạt động với công suất khoảng 500 tấn nguyên liệu/tháng. Đặc biệt, doanh nghiệp đã có khách hàng bao tiêu đầu ra.

Tiêu biểu, trong một dự án hợp tác với đối tác Nhật Bản, AirX Carbon đã tận dụng bã cà phê/tre để tạo ra hạt nguyên sinh học thay thế các sản phẩm gốc dầu với hàm lượng sinh học hơn 51%. Tại thị trường Nhật Bản, khi sản phẩm có hàm lượng sinh học hơn 51%, thì không được xem là nhựa và được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi. Điều này đã giúp AirX Carbon đạt được thỏa thuận hợp đồng mua trước cung cấp vài trăm tấn nguyên liệu sinh học với đối tác Nhật Bản.

Hiện tại, nguồn thu chính của AirX Carbon vẫn là nhờ bán các sản phẩm cuối cùng từ vật liệu sinh học carbon âm tính, như các loại ly, cốc, hàng nội thất... “Thị trường vật liệu âm carbon cần thêm 5 đến 7 năm nữa để thuận lợi hơn. Còn hiện tại, các sản phẩm cuối cùng dễ dàng đưa ra thị trường và thu về doanh số tốt hơn. Chúng tôi sử dụng phần lợi nhuận này để tiếp tục đầu tư, phục vụ mục tiêu chính là sản xuất, cung cấp nguyên liệu sinh học carbon âm tính”, ông Dương chia sẻ.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-anh-duong-dong-sang-lap-airx-carbon-hanh-trinh-thuong-mai-hoa-carbon-am-tinh-d210610.html