Doanh nghiệp xuất khẩu ở Nghệ An lao đao vì đơn hàng giảm mạnh
Nhiều doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu ở Nghệ An lao đao vì thiếu đơn hàng xuất khẩu, phải cắt giảm lao động.
Doanh nghiệp “đói” đơn hàng
Trong những năm qua, các ngành dệt may, dăm gỗ, sản xuất linh kiện điện tử… đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh Nghệ An; giữ vị trí trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Tuy nhiên, do tình hình lạm phát, các thị trường nước ngoài thắt chặt chi tiêu, đơn hàng khan hiếm nên các nhà máy sản xuất chỉ đạt khoảng 70% công suất. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động số lượng lớn.
Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chi nhánh Nghệ An, đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc) 100% vốn đầu tư Hàn Quốc.
Doanh nghiệp này chuyên sản xuất các giải pháp thiết bị tiêu dùng di động cho các hãng di động nổi tiếng trên toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế thế giới khó khăn khiến sức mua giảm mạnh, doanh nghiệp này đang trong bối cảnh khó khăn chồng chất.
Theo đại diện Công ty TNHH Điện tử BSE, vì nhiều lý do như tình trạng đối tác ngừng đơn, nhiều đơn hàng cũ bị cắt giảm do thay đổi công nghệ sản phẩm… nên từ năm ngoái đến nay, sản lượng hàng hóa sản xuất giảm 2/3. Kéo theo đó, từ tháng 3/2023, có 320 công nhân trong tổng số hơn 2.000 công nhân đã nghỉ việc.
Ông Trần Anh Long, đại diện Công ty may KIDO Vinh chia sẻ, do tình hình lạm phát của nước Mỹ và trên toàn thế giới, nên sức tiêu thụ của các đơn hàng giảm đi, chất lượng đơn hàng ngày càng phải nâng cao.
Việc lãi suất ngân hàng tăng, doanh nghiệp này phải tăng chi phí đầu vào. Để cạnh tranh lấy đơn hàng các công ty lớn có nhiều lao động phải chấp nhận giảm đơn giá, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may.
Theo ông Long, nhằm tháo gỡ khó khăn, đơn vị đang tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và mời đối tác về kiểm tra lại các điều kiện để có thêm đơn hàng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, có nhiều doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An có đơn hàng chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh như: Công ty May Minh Anh Đô Lương, kim ngạch xuất khẩu giảm 57,4%; Công ty may Minh Anh Kim Liên, kim ngạch xuất khẩu giảm 43,4%; may An Hưng giảm 80,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất mặt hàng thiết bị linh kiện điện tử cũng giảm 26,8%; trong đó có 2 doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong quý I là Công ty Merry & Luxshare Việt Nam (giảm 51,4%) và Công ty Emtech (giảm 89,7%).
Tháo gỡ “điểm nghẽn” xuất khẩu
Theo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 896,8 triệu USD; giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm khoảng 564,3 triệu USD; giảm 5,44% so với kim ngạch cùng kỳ 2022 (chủ yếu giảm nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất các ngành dệt may, linh kiện điện tử...).
Theo nhận định của ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả tỉnh như: Ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử… tiếp tục giảm mạnh do thị trường xuất khẩu vẫn gặp khó khăn, đơn hàng khan hiếm.
Sản phẩm may mặc của hầu hết các doanh nghiệp giảm từ 20% so với cùng kỳ; sản phẩm linh kiện điện thoại các nhà máy đều giảm do công nghệ thay đổi phải trả lại đơn hàng và có 1 nhà máy ngừng hoạt động.
Sản xuất vật liệu phục vụ ngành xây dựng như xi măng, đá xây dựng, gạch xây, ống nhựa giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do hoạt động đầu tư xây dựng tư nhân giảm sút, giải ngân đầu tư công chậm, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi...
Một số thị trường xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp ở Nghệ An có kim ngạch giảm mạnh phải kể đến như Trung Quốc (giảm 17,5%), Hoa Kỳ (giảm 8%), Đài Loan (giảm 42,5%), Thụy Sỹ (giảm 60%)…
Chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng sụt giảm về kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng, ông Hoàng Minh Tuấn lý giải, khi giá cả tăng quá cao, khách hàng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn những mặt hàng tiêu dùng khác, do đó đơn hàng xuất khẩu cũng giảm. Điển hình của đơn hàng giảm đặc biệt đối với thị trường Mỹ là thị trường có biến động mạnh, nhu cầu tiêu dùng giảm.
Để từng bước gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang định hướng cho các doanh nghiệp những phương án sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực theo kịch bản tăng trưởng.
Sở cũng triển khai một số giải pháp hỗ trợ như: Tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, tổ chức hội nghị gặp mặt tham tán thương mại một số thị trường mới; hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường nội địa…
Ngành Công Thương cũng chủ động làm việc với các đơn vị kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP Vinh, huyện Nghi Lộc, Diễn Châu… Hướng dẫn những doanh nghiệp này đăng ký xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, hỗ trợ các thủ tục xuất, nhập khẩu… để nâng cao năng lực sản xuất cho các nhà máy.
Hiện tỉnh Nghệ An đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò.
Hỗ trợ đối với hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng với mức 200 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng với mức đối với container 20 feet là 600.000 đồng/container, 40 feet trở lên là 1 triệu đồng/container.
“Để giảm chi phí vận chuyển và khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm thông qua chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò”, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An chia sẻ.