Doanh nghiệp Việt làm thế nào để 'thoát bẫy' phòng vệ thương mại

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đang bị cuốn vào làn sóng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng gia tăng từ các thị trường lớn trên thế giới.

Việc chủ động tìm kiếm các giải pháp đối phó là yếu tố quyết định để bảo vệ lợi ích và duy trì sự phát triển bền vững của DN trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Làn sóng điều tra gia tăng

Sự gia tăng mạnh mẽ của các vụ điều tra PVTM là một trong những thách thức lớn nhất mà các DN xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt trong những năm gần đây.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương, giai đoạn từ năm 2001 đến 2011 chỉ có 50 vụ điều tra PVTM nhắm vào hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến tháng 9/2024, con số này đã tăng thêm 209 vụ, đưa tổng số vụ điều tra lên đến 259. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại là càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, các DN Việt Nam càng phải đối mặt với rủi ro cao hơn từ các biện pháp PVTM.

Thép là một trong những ngành đối diện với nhiều cuộc điều tra PVTM từ nước ngoài

Thép là một trong những ngành đối diện với nhiều cuộc điều tra PVTM từ nước ngoài

Đặc biệt, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Phòng vệ Thương mại đã xử lý 15 vụ điều tra, với trung bình 1,7 vụ mỗi tháng. Con số này cho thấy tốc độ gia tăng mạnh mẽ của các vụ điều tra, gây sức ép lên các DN xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và ASEAN đều là những quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất nội địa khỏi sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài.

Riêng tại Mỹ, quốc gia này đã thực hiện đến 23% số vụ điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng thép và pin năng lượng mặt trời. Đây là những sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu, nhưng cũng là đối tượng bị điều tra nhiều nhất do tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể lên các ngành sản xuất nội địa của Mỹ.

Các biện pháp PVTM mà các nước nhập khẩu áp dụng bao gồm thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Điều này không chỉ làm tăng chi phí xuất khẩu mà còn đe dọa đến khả năng duy trì thị trường của DN Việt Nam. Những vụ điều tra PVTM thường kéo dài, gây khó khăn về tài chính và pháp lý cho DN, đồng thời làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Không chỉ bị điều tra từ các nước nhập khẩu, Việt Nam cũng đã chủ động áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra PVTM và đang duy trì 22 biện pháp đối với các sản phẩm như thép, phân bón và dầu ăn. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sản xuất nội địa mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng hơn cho DN Việt Nam.

Chiến lược đối phó khôn ngoan

Trước áp lực từ sự gia tăng các vụ điều tra PVTM, các DN Việt Nam cần có chiến lược khôn ngoan và chủ động để đối phó. Bởi theo ông Lê Sỹ Giảng - Giám đốc Điều hành của Consulting & Advisory, với quy mô nền kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng, dung lượng thị trường càng lớn thì nhà sản xuất các nước ngoài chắc chắc muốn tham gia đưa hàng vào để chiếm lĩnh thị trường nên DN trong nước cần phải biết sử dụng công cụ PVTM để tự bảo vệ mình.

Một trong những bước đi đầu tiên là DN phải nắm bắt thông tin sớm. Việc theo dõi chặt chẽ diễn biến các thị trường xuất khẩu sẽ giúp DN chuẩn bị tốt hơn khi đối mặt với nguy cơ bị điều tra. Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm, giúp các DN theo dõi và dự báo được các rủi ro về PVTM từ các thị trường nhập khẩu. Hệ thống này cung cấp các thông tin kịp thời, cho phép DN điều chỉnh chiến lược sản xuất và xuất khẩu, từ đó giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, minh bạch trong quản lý và sổ sách kế toán là yếu tố quan trọng giúp DN tránh bị cáo buộc về bán phá giá hoặc nhận trợ cấp. Để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý của các thị trường nhập khẩu, DN cần quản lý tốt hồ sơ tài chính, từ giá thành sản xuất, chi phí vận hành cho đến các hợp đồng xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp DN dễ dàng cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra mà còn tạo dựng được lòng tin của đối tác quốc tế.

Bên cạnh đó, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường và quản trị DN (ESG) cũng là yếu tố không thể thiếu. Đối với các thị trường như Mỹ và EU, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và lao động không chỉ giúp DN tránh các cuộc điều tra mà còn tạo cơ hội để DN tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao hình ảnh thương hiệu.

Một phần nữa quan trọng không kém là sự hợp tác với các hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý cũng đóng vai trò quan trọng. Các hiệp hội ngành hàng và Cục Phòng vệ Thương mại có thể cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho DN khi đối mặt với các vụ điều tra PVTM. Điều này giúp DN giảm thiểu áp lực, bảo vệ quyền lợi và xử lý các vụ việc hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn Phòng vệ thương mại năm 2024 hồi cuối tuần qua, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, nhấn mạnh: “PVTM là một công cụ không thể thiếu trong việc bảo vệ sản xuất nội địa và tạo ra sân chơi công bằng cho các DN. Các DN xuất khẩu Việt Nam cần phải chủ động hơn trong việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định quốc tế, để tránh rơi vào tình huống bị động khi bị điều tra”.

Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục Phòng vệ thương mại vừa hoàn thành việc triển khai sửa đổi, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP, đến nay đang được Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ sớm trình lên Chính phủ.

“Đây là cơ sở pháp lý tốt để triển khai bảo vệ ngành sản xuất trong nước một cách minh bạch và rõ ràng. Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho DN”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hồng Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nghiep-viet-lam-the-nao-de-thoat-bay-phong-ve-thuong-mai-313949.html