Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì khi thâm nhập thị trường Ấn Độ?
Ấn Độ với nền kinh tế phát triển và quy mô tiêu dùng rộng lớn được xem là thị trường kinh doanh đầy tiềm năng. Dù vậy, doanh nghiệp Việt sẽ cần phải hiểu rõ mô hình pháp nhân, quy định pháp lý cũng như có chiến lược xây dựng cụ thể ngay từ những bước đầu.
Chiều 25/7, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Chiến lược mở cửa thị trường Ấn Độ: Hướng dẫn thành lập pháp nhân tại Ấn Độ cho doanh nghiệp Việt Nam".
Tại sự kiện, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 4 và dự kiến trong thời gian ngắn sẽ trở thành một trong 3 siêu cường của thế giới. Đây được cho là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam xem xét kinh doanh tại thị trường khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, đồng thời mở rộng mô hình kinh doanh thành công của mình ra thế giới.
“Ấn Độ có nhiều lợi thế cho doanh nghiệp kinh doanh như quy mô dân số, nhu cầu tiêu dùng… Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang có xu hướng bảo hộ trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị. Chính vì vậy, khi Ấn Độ chưa áp dụng quy tắc khắt khe hơn, đây sẽ là thời điểm tốt để doanh nghiệp Việt Nam đi tắt đón đầu, mở rộng thị trường,” ông Thướng nhận định.
Ông Thướng cũng nhắc đến một số dự án đầu tư, hợp tác tiêu biểu của Việt Nam vào Ấn Độ như dự án xây dựng nhà máy xe điện của Vinfast tại Tamil Nadu với tổng giá trị đầu tư ban đầu là 500 triệu USD, hay Vietnam Airline có đường bay thẳng tới 4 thành phố lớn: New Delhi, Mumbai, Bengaluru và Hyderabad; tour du lịch tới Ấn Độ của Vietravel...

Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Đồng quan điểm, ông Manan Agarwal – Người sáng lập, Giám đốc công ty tư vấn Krayman (Ấn Độ) cho rằng: “Ấn Độ có tầng lớp trung lưu lớn, thị trường tiêu dùng rộng. Quốc gia này cũng có diện tích đất lớn thứ 7 trên thế giới, do đó còn nhiều đất cho dự án đầu tư. Việt Nam và Ấn Độ cũng đã có nhiều đường bay thẳng, do đó việc di chuyển cũng trở nên thuận tiện hơn.
Hơn nữa, Ấn Độ là nơi có nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ, đây sẽ là lực lượng lao động tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khi kinh doanh tại thị trường này, đặc biệt là doanh nghiệp điện tử, công nghệ".
Trong giai đoạn từ tháng 4/2000 – tháng 9/2024, Việt Nam đã đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đầu tư tích lũy là 12,69 triệu USD. FDI của Việt Nam vào Ấn Độ tập trung mảng dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng...
Theo ông Manan Agarwal, doanh nghiệp có thể thành lập thực thể có tư cách pháp nhân hoặc không pháp nhân tại Ấn Độ. Cụ thể, các thực thể không có tư cách pháp nhân gồm văn phòng đại diện, chi nhánh, văn phòng dự án; thực thể có pháp nhân gồm công ty con, công ty liên doanh...
“Tùy theo nhu cầu phát triển mà doanh nghiệp có những lựa chọn phù hợp với quy mô và mục tiêu của mình trong ngắn hạn hay dài hạn,” ông Manan Agarwal nói.
Ông cũng lưu ý, doanh nghiệp cần có một chuyên gia tư vấn về pháp lý để thực hiện đúng ngay từ những bước đầu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tiến hành nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược thâm nhập kỹ lưỡng; bản địa hóa sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; có cơ chế tài chính đi đường dài; bảo vệ tài sản trí tuệ của công ty.
Thực thể không có tư cách pháp nhân
Tại Ấn Độ, văn phòng đại diện (LO) không có chức năng kinh doanh mà chỉ được coi là một đơn vị đại diện cho công ty mẹ tại Việt Nam. Văn phòng này sẽ cung cấp các thông tin cho đối tác tại Ấn Độ.
Để thành lập văn phòng đại diện, công ty mẹ phải có giá trị tài sản ròng tối thiểu là 50.000 USD; trong 3 năm tài chính gần nhất công ty mẹ ghi nhận lãi. Đáng chú ý, văn phòng đại diện không được mua bán bất kỳ tài sản nào tại Ấn Độ, có thể mở tài khoản ngân hàng vãng lai ở Ấn Độ nhưng không được tính lãi suất.
Trong khi đó, văn phòng chi nhánh (BO) có thể thực hiện được việc xuất nhập khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ chuyên môn để tạo lợi nhuận cũng như hoạt động nghiên cứu. Chi nhánh có thể thuê bất động sản tại Ấn Độ trong thời hạn tối đa 5 năm.
Chi nhánh không được thực hiện hoạt động bán lẻ, hoạt động chế biến và xây dựng. Lợi nhuận của chi nhánh ở Ấn Độ có thể được chuyển về Việt Nam.
Để thành lập chi nhánh, công ty mẹ có tối thiểu tài sản ròng là 100.000 USD, ghi nhận lợi nhuận trong vòng 5 năm gần nhất.
Với văn phòng dự án (PO), văn phòng này tồn tại dựa trên một dự án cụ thể tại Ấn Độ và trong khoảng thời gian được thực hiện.
Chia sẻ thêm về các bước cụ thể thành lập LO và BO, ông Manan Agarwal cho biết, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị kế hoạch hành động chi tiết (kéo dài khoảng 2 - 3 tuần); nộp hồ sơ để được sự chấp thuận của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ RBI với thời kéo dài từ 3 - 6 tháng (hồ sơ như tình hình tài chính công ty mẹ, địa chỉ thuê ở Ấn Độ...). Sau đó, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ đăng ký lên Bộ Quản lý các vấn đề về doanh nghiệp Ấn Độ, đăng ký thuế với thời gian kéo dài tối đa 6 tháng.
“Có hai yêu cầu quan trọng để nộp hồ sơ. Thứ nhất, đơn vị phải xác định một cá nhân hoạt động với tư cách đại diện ủy quyền và người đó phải cư trú tại ấn Độ ít nhất 182 ngày trong năm tài chính của Ấn Độ (từ 1/4 năm nay đến 31/3 năm sau).
Thứ hai, đơn vị có địa chỉ cố định để trao đổi thông tin liên lạc với cơ quan đăng ký. Tất cả thư từ chính thức từ cơ quan chính phủ và các bên khác sẽ được gửi đến các văn phòng này của doanh nghiệp tại Ấn Độ,” ông Manan Agarwal cho biết thêm.
Các văn phòng trên sẽ cần mở một tài khoản ngân hàng tại Ấn Độ, mọi chi phí liên quan như tiền lương, tiền thuê nhà, phí chuyên môn... sẽ được thanh toán từ ngân hàng trên.

Các loại thuế tại Ấn Độ. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Thực thể có tư cách pháp nhân
Đối với việc thành lập công ty con sở hữu toàn phần (WOS), đơn vị này sẽ phải có tối thiểu 2 giám đốc/cổ đông sinh sống ở Ấn Độ hoặc làm việc ở đây trên 180 ngày và có vốn tối thiểu 100.000 rupi (khoảng 30 triệu vnd).
Công ty con sẽ phải đóng thuế tại Ấn Độ; lợi nhuận có thể chuyển về Việt Nam dưới dạng cổ tức, lãi, tiền bản quyền; đăng ký mã số thuế.
Để thành lập, doanh nghiệp cần thời gian ít nhất 2 – 3 tuần chuẩn bị các tài liệu và gửi Bộ Quản lý các vấn đề doanh nghiệp, thời gian có thể kéo dài từ 3 – 4 tháng. Công ty con cần có số định danh cho giám đốc, soạn điều lệ và thỏa thuận nội bộ của công ty để xác định doanh nghiệp sẽ hoạt động như thế nào.
Công ty con sẽ phải tổ chức cuộc họp Hội đồng quản trị đầu tiên trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập, đồng thời đăng ký con dấu và chữ ký tại Ấn Độ.
Đơn vị này cũng phải đăng ký tài khoản ngân hàng tại Ấn Độ và công ty mẹ sẽ chuyển vốn thông qua tài khoản này trong vòng 180 ngày kể từ ngày thành lập. Tất cả các chi phí duy trì như tiền lương, tiền thuê nhà, thuế... đều phải thanh toán từ tài khoản ngân hàng trên...
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (LLP), công ty này không quy định vốn thành lập, có tối thiểu 2 đối tác doanh nghiệp. Công ty LLP không được phép vay vốn thương mại bên ngoài.
Doanh nghiệp nộp thuế như thế nào?
Theo ông Manan Agarwal, Ấn Độ có ba loại thuế, gồm thuế trực tiếp, thuế gián tiếp (thuế nhập khẩu, hải quan) và thuế phụ thuộc vào giá trị giao dịch như giao dịch chứng khoán.
Các mức thuế sẽ phụ thuộc vào từng loại hình. Cụ thể, văn phòng đại diện sẽ không phải nộp thuế thu nhập; trong khi chi nhánh chịu mức thuế từ 36 – 38% tại Ấn Độ, khi chuyển tiền về Việt Nam sẽ không phải chịu thuế.
Công ty WOS chịu thuế từ 26 – 29% tại Ấn Độ, khi chuyển tiền về Việt Nam chịu mức thuế 10%. Công ty LLP chịu thuế 31% - 34% tại Ấn Độ và chuyển lợi nhuận về Việt Nam sẽ không chịu thuế.