Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc xuất hóa đơn

Nhiều doanh nghiệp cho biết, xuất hóa đơn với hàng cho vay cho mượn, tiêu dùng nội bộ chưa rõ ràng, làm phát sinh chi phí tuân thủ cao, gây khó cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024, do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 10-12, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị.

Vướng mắc quy định về hóa đơn chuyển đổi

Góp ý về sửa đổi dự thảo Luật thuế GTGT, đại diện Công ty Panasonic tại Việt Nam cho hay, đối với dịch vụ cung cấp trong khu phi thuế quan và dịch vụ trong khu phi thuế quan, dịch vụ phần mềm cung cấp cho nước ngoài cần áp dụng thuế suất 0% như trước đây để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Như dự thảo luật thuế GTGT vừa qua là đang thu hẹp phạm vi xuất khẩu với dịch vụ cung cấp trong khu phi thuế quan và phần mềm cung cấp cho bên nước ngoài.

Cũng theo đại diện này, đối với Nghị định 123 năm 2020 quy định về hóa đơn, chứng từ đang được thực hiện, trên thực tế còn rất nhiều vướng mắc.

Vướng mắc thứ nhất là xuất hóa đơn với hàng cho vay cho mượn, tiêu dùng nội bộ hiện đang làm phát sinh chi phí tuân thủ cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoàn thuế khi phải xuất hóa đơn. Trong khi quy định hiện hành về kê khai các hóa đơn xuất, tiêu thụ, cho mượn nội bộ cũng chưa rõ ràng dẫn đến nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp và cơ quan thuế khi thực hiện.

"Bản chất giao dịch này không làm phát sinh thuế GTGT, vì vậy đề nghị cơ quan nghiên cứu bỏ quy định này và thực hiện như trước đây theo Thông tư 19, Thông tư 119 sửa đổi Thông tư 39 quy định về hóa đơn và thuế GTGT cho hai giao dịch đều thống nhất không xuất hóa đơn và không kê khai nộp thuế", đại diện Panasonic cho hay.

 Doanh nghiệp điện tử cho biết đang gặp khó trong việc xuất hóa đơn với hàng cho vay cho mượn, tiêu dùng nội bộ, do quy định chưa rõ ràng. Ảnh: MINH TRÚC

Doanh nghiệp điện tử cho biết đang gặp khó trong việc xuất hóa đơn với hàng cho vay cho mượn, tiêu dùng nội bộ, do quy định chưa rõ ràng. Ảnh: MINH TRÚC

Vướng mắc thứ hai là quy định về hóa đơn chuyển đổi. Theo Nghị định 123, quy định về hóa đơn chuyển đổi đã linh động rất nhiều, không yêu cầu về mẫu hóa đơn, đóng dấu và các quy định khác. Tuy nhiên trên thực tế khi thực hiện có một số bất cập.

Chẳng hạn, Thông tư 24 của Bộ Công an có quy định về cấp, thu hồi biển xe cơ giới cần chứng từ chứng minh quyền sở hữu xe, dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống đăng ký quản lý xe chấp nhận trên cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp xe chưa có hóa đơn điện tử thì phải có hóa đơn giấy hoặc hóa đơn được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi đi đăng ký thì một số cơ quan công an yêu cầu phải có giấy tờ ký, đóng dấu theo một mẫu nhất định. Trong khi phía ngành thuế chưa có đủ các mẫu quy định về hóa đơn chuyển đổi gồm dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu phải có hóa đơn giấy hoặc hóa đơn được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy định của pháp luật.

Trả lời vấn đề này, đại diện Tổng Cục Thuế cho hay, hiện quy định về hóa đơn chuyển đổi đã linh hoạt hơn. Tuy nhiên, một số pháp luật chuyên ngành, như quy định về cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới, có quy định về chứng từ về quyền sở hữu xe, bao gồm dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống đăng ký quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế.

Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp thu ý kiến này để đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định trên.

Ước thu hàng chục nghìn tỷ đồng từ thuế tối thiểu toàn cầu

Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29-11-2023 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một trong các nội dung mới về chính sách, thủ tục hành chính thuế đáng lưu ý năm 2024.

Nghị quyết có quy định 2 nội dung về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung. Trong đó, quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính.

Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính.

Thuế suất tối thiểu được quy định tại Nghị quyết là 15%. Theo thông tin tại Hội nghị, theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT). Số thuế bổ sung ước tính thu được từ nhóm này khoảng 14.600 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán này, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 Tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).

Hiện, Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết để đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị quyết.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/doanh-nghiep-van-gap-kho-trong-viec-xuat-hoa-don-post824190.html