Doanh nghiệp taxi điện có thể kiếm tiền từ bán tín chỉ carbon

Thúc đẩy sử dụng ô tô điện là xu thế đang diễn ra trên toàn cầu. Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, doanh nghiệp taxi điện có thể kiếm tiền từ bán tín chỉ carbon.

Tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức sáng 24/5, có nhiều đề xuất, kiến nghị giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang taxi điện được đưa ra.

Báo cáo doanh số từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công cho thấy, quý đầu năm 2024, thị trường tiêu thụ tổng cộng 68.279 ô tô các loại. Trong số này bao gồm cả ô tô điện, nhưng doanh số không được công bố riêng. Còn xe hybrid là 2.385 chiếc.

Kết hợp với doanh số từ VAMA và Hyundai Thành Công, có thể thấy doanh số xe điện tại Việt Nam đang chiếm hơn 10% tổng số ô tô bán ra tại Việt Nam trong quý I/2024; xe hybrid dù đã tăng so với 2023 song vẫn chiếm tỷ trọng ít hơn.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, từ đầu thế kỷ XIX, tại London và NewYork, 100% taxi là xe điện.

Tại thời điểm ô tô còn sơ khai, taxi điện đã phát huy được những lợi ích nổi trội so với ô tô động cơ đốt trong và xe ngựa. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghệ ô tô, xe động cơ đốt trong phát triển rất nhanh, còn xe điện nói chung và taxi nói riêng vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường của ô tô xăng truyền thống.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: T. Hải

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: T. Hải

Đến nay, công nghệ đã có nhiều thay đổi, công nghệ pin phát triển khá phù hợp với xe ô tô. Ô tô điện cũng có nhiều lợi ích như không có hộp số trong khi mô tơ điện bền hơn động cơ đốt trong nên những bộ phận về cơ khí của ô tô điện bền hơn xe động cơ đốt trong.

Phân tích cụ thể hơn về lợi thế của xe điện khi sử dụng để kinh doanh vận tải, ông Phúc đánh giá, với ô tô điện, những chi tiết cấu thành lên ô tô giảm đi rất nhiều. Do đó, chi phí chăm sóc bảo dưỡng cũng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, khi doanh nghiệp là những người tiên phong chuyển đổi sang taxi điện, họ sẽ quan tâm về mặt tài chính có lợi hay không. Nhưng phía Nhà nước sẽ thực hiện được cam kết giảm phát thải khí CO2.

Do đó, theo ông Phúc, bài toán chính sách đưa ra cần đảm bảo được sự hài hòa giữa hai vấn đề này, Chính phủ nên có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn, thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.

Trong đó, ông Phúc lưu ý đến chính sách về giá vốn. Làm thế nào để huy động được vốn "xanh", sao cho các doanh nghiệp nhỏ muốn chuyển đổi phương tiện xanh vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn này; cùng với đó là những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện dễ dàng. Từ đó, sẽ có ngày càng nhiều đơn vị tiên phong.

Ngoài ra, ông Phúc cũng nhấn mạnh đến chính sách phát triển trạm sạc. Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc, hướng đến cùng chia sẻ sử dụng cho tất cả các loại xe điện.

Từ kinh nghiệm trên thế giới, ông Phúc phân tích, cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể để có căn cứ chứng minh lợi ích của việc chuyển đổi phương tiện đối với xã hội. Từ đó, mới có cơ sở thuyết phục Chính phủ đưa ra các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, góp ý, cần có cơ chế hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách, giúp các doanh nghiệp taxi điện có thêm tiền khi chuyển đổi. Hiệp hội cũng đã có kiến nghị để doanh nghiệp vận tải có niềm tin hơn khi chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện.

Riêng về mảng này, theo ông Uy, hiện thiếu rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, bởi tiến đến sau này các doanh nghiệp vận tải đều có hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, văn bản quy định hạn ngạch thế nào, ai là người cấp, ai kiểm định, cấp tín chỉ carbon... thì hiệp hội đang có ý kiến.

Cụ thể, khi có hạn ngạch, các đơn vị taxi, vận tải bằng xe xăng dầu vượt quá hạn ngạch thì phải bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon. Đơn vị nào sử dụng 100% xe điện, chắc chắn theo hạn ngạch thì nhỏ hơn sẽ được nhận tiền, nội bộ không hết hạn ngạch có thể bán ra ngoài.

Từ đó, tiến đến thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Doanh nghiệp nào chuyển đổi sang taxi điện thì sau này sẽ được bù trừ, nhận tiền. Các doanh nghiệp chạy xăng dầu chắc chắn sẽ phải bỏ tiền ra mua.

"Nói ra để các đơn vị chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi sang xe năng lượng sạch chắc chắn rằng sau này sẽ được hưởng lợi. Chúng tôi cũng đề nghị mọi việc đăng ký, tín chỉ phải thật dễ dàng để giao dịch được", ông Uy cho hay.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-taxi-dien-co-the-kiem-tien-tu-ban-tin-chi-carbon-2284149.html