Doanh nghiệp 'phớt lờ' nhiều năm không đóng bảo hiểm cho công nhân
Nhiều năm bị doanh nghiệp không đóng tiền bảo hiểm, các công nhân Nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc DCP (Lào Cai) cảm thấy chán nản, bức xúc...
Nhiều công nhân thuộc Nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc DCP, thuộc Công ty cổ phần Hóa chất Phúc Lâm đóng tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đang phải gõ cửa “kêu cứu” cơ quan chức năng, khi phát hiện quyền lợi được đóng bảo hiểm xã hội của mình bị doanh nghiệp “bỏ quên” suốt nhiều năm.
Anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Phú Hải 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vốn là công nhân kỹ thuật của nhà máy cho biết, chán nản vì phải thường xuyên lao động trong môi trường độc hại, lương lại thấp, anh quyết định xin nghỉ, nhưng thật “trớ trêu” khi phát hiện mọi khoản bảo hiểm xã hội của mình bị nhà máy “phớt lờ” không đóng suốt thời gian dài.
"Khi tôi chán bỏ sang công ty khác đi làm đơn xin bảo hiểm thất nghiệp, mới biết do công ty nợ năm rưỡi tiền bảo hiểm xã hội của tôi nên không giải quyết được. Tôi có ý kiến thì cứ khất lần khất lượt, bảo đợt tới rồi mấy lần đợt tới vẫn không có" - anh Thịnh chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Thịnh, nhiều trường hợp công nhân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chỉ khi chuyển đổi công việc, các công nhân mới vỡ lẽ, ngoài mức lương ít ỏi nhận được hàng tháng cùng bảo hiểm y tế ngắn hạn 3 tháng cấp phát 1 lần, thì họ không có chế độ gì khác.
Theo ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, trên địa bàn xã có tới vài chục công nhân từng làm cho nhà máy, tuy nhiên đa phần chỉ vào làm được thời gian ngắn lại bỏ, dù thực tế các công nhân đều muốn tìm một việc làm thuận lợi ở gần nhà.
Ông Trần Xuân Long cho biết: "Thấy nhà máy cũng không phát triển, không bảo đảm cuộc sống cho công nhân nên nhiều người đã chuyển đi. Công ty cũng thay đổi lãnh đạo thường xuyên, ô nhiễm môi trường như rò rỉ acid gây táp lá nhiều lần. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty đã nhiều lần phải bỏ tiền bồi thường thiệt hại cho bà con".
Ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bảo Thắng cho hay, Liên đoàn cũng nắm bắt được thông tin phản ánh từ các công nhân. Tuy nhiên, dù đóng trên địa bàn, nhưng nhà máy lại có tổ chức Công đoàn riêng thuộc ngành dọc của công ty, chứ không liên quan đến địa phương, nên rất khó can thiệp xử lý.
"Về điều lệ thì phải được công đoàn cơ sở của công ty đề nghị Liên đoàn Lao động huyện chúng tôi mới có căn cứ để làm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản nào. Chúng tôi vẫn tiếp tục nắm tình hình, đồng thời cũng đã hướng dẫn người lao động thông qua Công đoàn công ty, nếu không được thì đệ đơn ra tòa" - ông Bình nói rõ.
Được biết, Tòa án nhân dân huyện Bảo Thắng cũng đã nhận được tổng cộng hơn 60 đơn khiếu nại, tố cáo của các công nhân từng làm việc cho nhà máy.
Điều đáng nói, khoảng 2 tháng nay, nhà máy liên tục cắt giảm lao động rồi chính thức đóng cửa hoạt động, khiến nhiều công nhân bơ vơ khi mất việc làm. Không chỉ nợ bảo hiểm của công nhân, nhà máy còn chưa chi trả hết những thiệt hại do sự cố môi trường gây ra hồi đầu năm 2019. Trước đó, trong thời gian hoạt động, hầu như năm nào nhà máy cũng gây ra ô nhiễm nghiêm trọng, từng nhiều lần bị cơ quan chức năng địa phương “thổi còi” xử phạt.
Có thông tin cho hay, chủ sở hữu nhà máy là Công ty Phúc Lâm hiện đang “ôm nợ” hàng trăm tỷ đồng, đối mặt với nguy cơ phá sản. Phúc Lâm cũng được biết đến là tiền thân một công ty con của Công ty Cổ phần Devyt trực thuộc Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh./.