Doanh nghiệp Ninh Bình cần chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn phát triển mới

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID - 19 và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua của tỉnh Ninh Bình là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện 'mục tiêu kép' trong tình hình mới, cộng đồng doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ đặc biệt để giúp doanh nghiệp có thể vươn lên một cách mạnh mẽ. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về những mong muốn cũng như những việc doanh nghiệp cần phải làm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Ảnh: Trường Giang

P.V. Xin ông cho biết thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Sau gần 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, kinh tế của tỉnh nói chung, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nói riêng đã không ngừng phát triển. Đến nay, Ninh Bình đã có một cộng đồng doanh nghiệp hùng hậu, chất lượng với khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2015-2020, doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt trên 940 nghìn tỷ đồng, tăng 1,96 lần so với giai đoạn 2010-2015, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015 (là 3,6 triệu đồng/người/tháng). Trong tổng số thu ngân sách của tỉnh năm 2020 là 22.586 tỷ đồng, các doanh nghiệp đã nộp trên 15.810 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Gần 2 năm qua, do đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp vẫn chung sức cùng các cấp chính quyền của tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn. Cụ thể, năm 2020, các doanh nghiệp, doanh nhân đã ủng hộ gần 3,6 tỷ đồng tiền mặt, cùng nhiều vật tư y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm khác cho công tác phòng, chống dịch. Còn trong đợt cao điểm quyên góp cuối tháng 5 đến hết tháng 9/2021 vừa qua, tổng số tiền, máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm mà khối tập đoàn, doanh nghiệp đã ủng hộ thông qua ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là gần 24,5 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ với số tiền lên tới hàng tỷ đồng như: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành 15 tỷ đồng; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường ủng hộ gần 12 tỷ đồng, trong đó có 2 máy lọc máu, 4 máy thở và hệ thống xét nghiệm N-Covid trị giá 11,4 tỷ đồng; ngoài ra Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường ủng hộ Quỹ vắc-xin Trung ương 100 tỷ đồng; Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình ủng hộ hệ thống xét nghiệm hoàn chỉnh phát hiện Sars-Cov-2 bằng phương pháp Realtime RT trị giá 6 tỷ đồng; Tập đoàn Thành Thắng ủng hộ 3 máy thở trị giá 3,6 tỷ đồng; Tập đoàn Thành Công và Hyundai Moto ủng hộ 2 tỷ đồng; Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long CFG ủng hộ 1 tỷ đồng…

Các đại biểu dự hội nghị Ban Chấp hành mở rộng Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh. Ảnh: Minh Quang

P.V: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng. Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, doanh nghiệp Ninh Bình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường một số lĩnh vực đóng cửa khiến nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, hàng hóa sản xuất không bán được, khối lượng hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, khối các doanh nghiệp khó khăn nhất tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dich vụ, vận tải chiếm khoảng 10%; khoảng 20-30% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng không có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Ninh Bình hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, thiếu sức cạnh tranh tại các thị trường lớn. Trình độ hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp còn hạn chế, thương hiệu chưa đủ mạnh để hội nhập, tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao... Trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp càng bộc lộ rõ những điểm yếu đòi hỏi tự thân các doanh nghiệp phải nghiên cứu để cơ cấu lại doanh nghiệp, hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn vẫn có khoảng 50% doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong đó tiêu biểu như Tập đoàn kinh tế Xuân Thành vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, trong 9 tháng đầu năm nay doanh thu của Tập đoàn đạt trên 20.000 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 500 tỷ đồng. Hiện nay, Tập đoàn lớn mạnh với 30 công ty thành viên, hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực trên nhiều địa bàn. Tập đoàn Xuân Thành đã tạo việc làm cho trên 15.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp, góp phần đổi mới diện mạo quê hương. Đặc biệt, Tập đoàn Xuân Thành đã là thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của người Việt trong hành trình vươn ra thế giới. Nhiều doanh nghiệp hội viên cũng nỗ lực đạt được những kết quả đáng ghi nhận như Tập đoàn Tài Anh năm 2020 doanh thu đạt trên 2 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động. Sản phẩm gỗ Tài Anh đã vươn ra thế giới xuất hiện ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Pháp...

Để có môi trường ổn định cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, cho đến nay Ninh Bình chưa có ca F0 nào xuất hiện ở các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Ninh Bình là một trong 9 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn; tỷ lệ người dân trên 18 tuổi đã tiêm vắc xin ít nhất một mũi đạt trên 82%, trong đó, có 6,9% người dân trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin; ưu tiên tiêm đủ 100% cho công nhân trong KCN, CCN... Đây là điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh an toàn, đảm bảo theo đúng yêu cầu phòng, chống dịch, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

P.V: Thưa ông, với sự chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ phải chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh. Vậy theo ông doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì để tham gia vào giai đoạn phát triển mới?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Đón trước những thời cơ cũng như thách thức trong giai đoạn tới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức cuộc họp với toàn thể hội viên để đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các hội viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn mà doanh nghiệp cần Hiệp hội chung tay hỗ trợ và đề đạt ý kiến với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn thì các chính sách kích cầu của Nhà nước chỉ là động lực, còn việc "vượt khó" phụ thuộc phần lớn vào chủ doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự xác định mình là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp cần chủ động góp ý thẳng thắn với các cơ quan Nhà nước để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên hiến kế giúp tỉnh hoạch định các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế và pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp ngày càng phát triển cần chủ động tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực y tế…, đảm bảo tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chủ động ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân cần chủ động và có những giải pháp mang tính chất dài hạn để thích nghi, chuyển đổi phương thức quản lý, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

P.V: Thưa ông, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, kích cầu doanh nghiêp trong giai đoạn tới, vậy với vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, Hiệp hội sẽ làm gì để doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách hỗ trợ một cách đầy đủ nhất?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình, vừa qua VCCI đã tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc, chúng tôi đã có kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền. Để doanh nghiệp thực sự hồi sinh một cách mạnh mẽ, chúng tôi mong muốn Chính phủ nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn về thuế, tín dụng, bảo hiểm... , cụ thể là giảm sâu lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giãn, hoãn các khoản vay đến kỳ hạn, kéo dài hạn mức cho vay; có chính sách miễn, giảm, giãn các loại hình thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; hỗ trợ các khoản phí công đoàn, BHXH... để doanh nghiệp tập trung nguồn vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các thành viên và các doanh nghiệp trong tỉnh, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững.

Đồng thời thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ với các doanh nghiệp về tình hình kinh tế thế giới, chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, các chính sách, pháp luật cũng như các mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại... Làm tốt vai trò chia sẻ, tư vấn giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng. Hiệp hội cũng tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Hoạt động này thời gian qua được các hội viên đánh giá cao về tính hiệu quả và lợi ích mang lại.

Đặc biệt, với vai trò là cầu nối với các cấp chính quyền, Hiệp hội sẽ tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh tổ chức chương trình đối thoại với doanh nghiệp để các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, từ đó xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo đúng với phương châm mà UBND tỉnh đã đề ra: "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".

P.V: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doanh-nghiep-ninh-binh-can-chuan-bi-tam-the-de-buoc-vao-giai/d20211013083850586.htm