Doanh nghiệp, doanh nhân Đất Tổ năng động, sáng tạo vượt qua thử thách
PTĐT - Mười sáu năm trước, Chính phủ quyết định chính thức chọn ngày 13/10 hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Từ đó, cùng với doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Đất Tổ...

Công ty cổ phần CMC, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì chuyên sản xuất gạch ốp lát các loại, sản phẩm ổn định về chất lượng, đa dạng mẫu mã, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
PTĐT - Mười sáu năm trước, Chính phủ quyết định chính thức chọn ngày 13/10 hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Từ đó, cùng với doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Đất Tổ đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước nói chung và Phú Thọ nói riêng. Hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự năng động trong sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển chung của Phú Thọ, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các nhiệm vụ giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Nói về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Thản - Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh những năm gần đây được cải thiện đáng kể. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện. Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ nét trong các quyết sách, hành động của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, chính quyền các cấp, tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, đóng góp tích cực cho xã hội”.Từ một tỉnh khó khăn, xuất phát điểm không cao, nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển, đến nay, toàn tỉnh có trên 8.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký trên 64.700 tỷ đồng; số lao động đăng ký trên 160.000 lao động, trong đó có trên 6.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký thành lập có 17 doanh nghiệp Nhà nước; 158 doanh nghiệp FDI; trên 8.300 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Về cơ cấu ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu là: thương mại dịch vụ chiếm 60,2%; công nghiệp và xây dựng chiếm 36,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 3,6%.

Công ty TNHH MTV Sơn Hà Phú Thọ chuyên may quần áo xuất khẩu, hoạt động có hiệu quả trong cụm công nghiệp - làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
Hàng năm, các doanh nghiệp đã đóng góp trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 80% tổng thu ngân sách Nhà nước; thu hút, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động với thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia thực hiện các chính sách xã hội như hưởng ứng cuộc vận động “Vì người nghèo”, xóa nhà tạm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp xây dựng các quỹ xã hội…Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sụt giảm đáng kể so với năm 2019, trong đó có những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19 như công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ. Phần lớn các ngành sản xuất công nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ. Không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do phần lớn hàng hóa không xuất khẩu được hoặc đã xuất hàng nhưng không bàn giao được cho khách hàng do các nước sở tại không thông quan, trong đó chủ yếu là mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, da giày, chè…Để thích ứng, các doanh nghiệp đã phải đưa ra các giải pháp tiết kiệm chi phí: Giảm giờ làm (luân phiên), sử dụng hết phép năm, giảm đơn giá sản phẩm, chấm dứt hợp đồng lao động với lao động đã hết hợp đồng. Một số doanh nghiệp có thời điểm đã phải dừng sản xuất tạm thời; có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động sản xuất; một số doanh nghiệp cho giảm ca, chia ca, giảm mật độ lao động tại xưởng sản xuất do nhu cầu sản xuất sụt giảm và hạn chế tiếp xúc gần giữa công nhân. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường, duy trì sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Hữu Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần gạch men TaSa- Khu công nghiệp Thụy Vân cho biết: “Theo kế hoạch năm 2020 công ty sản xuất 24 triệu m2 gạch lát các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu giảm 70% so với năm 2019, vì thế công ty tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu, duy trì việc làm cho 1.200 lao động với mức lương bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng, phấn đấu doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng, nộp ngân sách 90 tỷ đồng”. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh Covid-19, tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 quay trở lại ở một số tỉnh, thành với những diễn biến mới hết sức phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, quy mô cũng như phạm vi tác động, tỉnh đã xác định tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra. Thực hiện việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.Ông Nguyễn Hữu Nhu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, tỉnh đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sớm đưa dự án đi vào hoạt động; làm việc với các doanh nghiệp cung ứng điện, nước xem xét khả năng điều chỉnh giảm giá điện, nước để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh mới nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn của tỉnh cùng sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo của các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Đất Tổ sẽ vượt qua thách thức để hội nhập và phát triển, đóng góp tích cực xây dựng quê hương đất nước.